Tổng thống Joe Biden hôm nay có mặt tại Campuchia để tham dự hai sự kiện quan trọng cùng các lãnh đạo Đông Nam Á và châu Á, gồm Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden đến khu vực Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2021, đồng thời là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa ông với các lãnh đạo ASEAN trong năm nay, sau hội nghị cấp cao đặc biệt tại Washington hồi tháng 5.

Tổng thống Mỹ Joe Biden rời chuyên cơ Air Force One khi đến Campuchia sáng 12/11. Ảnh: AFP.
"Chuyến thăm này thể hiện sự tích cực của cơ chế hợp tác ASEAN. Chúng tôi đều mong muốn mọi đối tác ASEAN ghé thăm và gặp các lãnh đạo, đặc biệt là những đối tác cường quốc", Kung Phoak, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia kiêm người phát ngôn Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, nói với VnExpress.
Quốc vụ khanh Campuchia nhận định ông Biden đến dự hội nghị cùng các lãnh đạo Đông Nam Á là diễn biến tích cực cho cả ASEAN và Mỹ, mở ra cơ hội để các bên xây dựng quan hệ hợp tác vững chắc và toàn diện hơn.
Trong Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vào tháng 5, các lãnh đạo đã thống nhất về ý tưởng đưa quan hệ giữa hai bên lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Ông Kung Phoak không xác nhận hai bên có kế hoạch ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong kỳ họp lần này hay không, nhưng khẳng định động thái tiềm năng này sẽ thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ theo hướng tích cực hơn trong nhiều năm tới.
"Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là hình mẫu cho lãnh đạo những nước lớn khác, đến và trao đổi với các lãnh đạo ASEAN, khai phá tiềm năng hợp tác giữa các bên, tìm hiểu mỗi bên có thể đóng góp những ý tưởng lớn và mới mẻ nào", ông nói.
Giới chuyên gia nhận định sự hiện diện của ông Biden tại hai cuộc họp cấp cao của ASEAN sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực, đồng thời tiếp tục thể hiện chủ trương của chính quyền Mỹ đương nhiệm là quan tâm đến các thể chế đa phương.
"Chuyến thăm của ông Joe Biden cho thấy chính phủ Mỹ kiên định củng cố vị thế của họ trong những thể chế đa phương, trong đó có hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Đây là mục tiêu khá nhất quán của chính quyền Biden, bất luận kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ra sao", ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.
Mỹ càng đầu tư vào những thể chế đa phương thì các quốc gia nhỏ hơn càng có thêm cơ hội để đạt sự cân bằng về địa chính trị, đồng thời tranh thủ những thế mạnh riêng của các cường quốc cho mục tiêu phát triển.

Kung Phoak, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia kiêm người phát ngôn hội nghị cấp cao ASEAN, trả lời họp báo ngày 11/11. Ảnh: Thanh Danh.
Theo ông Trung, Washington nhìn nhận nếu đầu tư thêm vào quan hệ Mỹ - ASEAN, đối thoại và đóng góp để hiệp hội trở thành một thể chế vững mạnh và độc lập, cùng chia sẻ các giá trị mà Mỹ xem trọng, thì tính ổn định khu vực sẽ được gia tăng. Thông qua chính sách này, Mỹ sẽ gián tiếp giảm được tác động từ những nhân tố không phù hợp với lợi ích của mình.
Trong cuộc họp báo trực tuyến trước thềm chuyến thăm của ông Biden, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Danniel Kritenbrink tái khẳng định mục tiêu hàng đầu của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là xây dựng "năng lực tập thể cho các đối tác để cùng giải quyết những thách thức chung và cùng chia sẻ cơ hội".
Ông nói Mỹ sẽ mang đến bàn nghị sự tại Campuchia mọi nội dung lớn, từ quan hệ thương mại, đầu tư tư nhân quy mô lớn, kết nối nhân dân, biến đổi khí hậu và ứng phó đại dịch, đến phối hợp vì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
"ASEAN đại diện cho cơ chế mang tính kiến tạo quan trọng nhất khu vực. Lãnh đạo thế giới tụ họp ở đây để thảo luận về các vấn đề quan trọng của thế giới", ông Kritenbrink cho hay.
Chuyên gia Nguyễn Thành Trung nhận định các nước ASEAN luôn nhất quán chủ trương không chọn phe trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khu vực cần có sự tham gia của Mỹ để có động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực quan trọng như hàng hải, kinh tế số, phát triển xanh, năng lực thích ứng với biến động và chuỗi cung ứng ổn định.
Covid-19 đã cho thấy sự mỏng manh và dễ tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra cơ hội cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn về thiết kế chuỗi cung ứng.
Xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy, ổn định là điều mà chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh trong các thông điệp xuyên suốt hơn hai năm qua, trong đó có khái niệm "kinh tế gắn kết" được nhắc đến trong Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) với các nước ASEAN tham gia đối thoại.
Triển vọng nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ giúp ASEAN tạo ra thế cân bằng về chiến lược, do một năm trước ASEAN cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc. Bước đi này phát đi thông điệp chiến lược quan trọng rằng ASEAN không phân biệt bất kỳ đối tác nào quan trọng hơn bên còn lại, ông Trung nhận định.
Thanh Danh