"Mỹ và Việt Nam đã chuyển từ cựu thù thành đối tác kinh tế và địa chính trị. Quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Washington sẽ tiếp tục được tăng cường khi lợi ích thương mại và an ninh giữa hai nước ngày càng tăng", tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, chia sẻ với VnExpress.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và thông điệp này được thể hiện rõ qua những cuộc gặp cấp cao gần đây, đặc biệt là chuyến thăm ngày 24-26/8 của Phó tổng thống Kamala Harris, người có vị trí thứ hai trong chính phủ Mỹ, chỉ sau Tổng thống Joe Biden.
Trong các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo Việt Nam, bà Harris tái khẳng định cam kết của Mỹ về ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, vững mạnh và kiên cường.
Phó tổng thống Mỹ đã công bố viện trợ thêm một triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam và khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Đây được xem là những dấu ấn cho thấy quan hệ hai nước đang trên đà phát triển.
Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ cho rằng chuyến thăm của bà Harris không mang tới sự thay đổi, mà là sự nối tiếp thông điệp và tiến bộ ổn định trong các nỗ lực song phương của chính quyền Biden tại khu vực.
"Chuyến thăm một lần nữa cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những tiến triển đáng kể trong thập kỷ qua", Poling nói. "Hai bên sẽ tiếp tục xích lại gần nhau với tốc độ ổn định".
Trong chuyến thăm, bà Harris còn chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận thuê đất xây khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội với tổng giá trị dự án 1,2 tỷ USD. Trong buổi họp báo trước khi rời Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ nói chuyến thăm của bà "báo hiệu cho khởi đầu của chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ".
Tiến sĩ Gover nhận định mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng trở nên gần gũi một phần nhờ những nỗ lực hòa giải của cả hai bên trong suốt những năm qua.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2016, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên đạt 90,8 tỷ USD năm 2020.
Trong cuộc chiến với Covid-19, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 6 triệu liều vaccine Covid-19. Nhà Trắng hồi đầu tháng cho biết Việt Nam thuộc top 10 quốc gia nhận nhiều vaccine nhất trong chương trình chia sẻ hàng trăm triệu liều của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã viện trợ hơn 11 triệu USD cho Việt Nam, gồm hỗ trợ máy thở và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống Covid-19.
Giới chuyên gia nhận định những chuyến thăm cấp cao và hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam đã cho thấy mức độ cam kết của Washington trong mối quan hệ song phương.
"Chuyến thăm của Phó tổng thống Harris, diễn ra sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, cho biết.
Ngay từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nhiều lần báo hiệu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, là trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ. Chuyến thăm hai nước Đông Nam Á, gồm Singapore và Việt Nam, của Phó tổng thống Harris chỉ 7 tháng sau khi bà nhậm chức cho thấy rõ thông điệp này, theo tiến sĩ Gover.
"Qua chuyến thăm Việt Nam và Singapore, Phó tổng thống Harris đang cố thông báo rằng chính quyền Biden rất coi trọng Đông Nam Á. Nhà Trắng đang thiết lập một hình ảnh khác với chính quyền tiền nhiệm, khi cựu tổng thống Donald Trump bị chỉ trích vì ít quan tâm tới khu vực này", ông nói.
Singapore và Việt Nam là hai quốc gia ASEAN có tên trong Hướng dẫn tạm thời cho Chiến lược An ninh Quốc gia được chính quyền Biden công bố hồi tháng 3, nêu rõ các đối tác mà Washington muốn hợp tác sâu rộng như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Chuyến thăm của Phó tổng thống Harris và Bộ trưởng Austin rõ ràng nhằm củng cố mục tiêu đó", bình luận viên Nile Bowie từ Asia Times nhận xét.
Chuyên gia Poling nhận định chuyến đi của bà Harris đã "hoàn thành mục tiêu" của chính quyền Biden, khi tái khẳng định thông điệp tích cực rằng họ cam kết và tập trung vào mối quan hệ đối tác ở khu vực Đông Nam Á.
Thanh Tâm - Phương Vũ