Trước vòng 9 cuối tuần qua, làng cầu Việt Nam xôn xao chuyện Quảng Nam bị phát hiện tổ chức lễ cúng trên sân Thiên Trường trong buổi tập trước trận đấu với Nam Định.
Kết quả trận này là 1-0 nghiêng về chủ nhà Nam Định. Và vì thế, có thể nói theo hai cách khác nhau. Việc Quảng Nam "cúng" trên sân chỉ đơn thuần là hoạt động tâm linh thuần túy trước các trận đấu, chứ không phải "yểm bùa", gây phương hại gì cho chủ nhà. Nhưng ngược lại, CĐV Nam Định cũng có thể nói vì họ phát hiện và ngăn cản Quảng Nam nên đội nhà mới có vận may. Hiểu theo cách nào cũng được, tuy nhiên, có một thực tế là trận này Nam Định tung ra 14 cú sút nhưng chỉ một lần bóng đi đúng hướng cầu môn. Đó chính là bàn thắng "quý như vàng" của Tony Agbaji.
Mùa này Nam Định thực ra không yếu. Đây là đội bóng duy nhất không nhận trận hòa nào, với hàng tấn công đã ghi 11 bàn - cao thứ sáu trong 14 đội, nhưng mới thắng ba trận. Hai trong sáu trận thua của thầy trò Nguyễn Văn Sỹ xảy đến ở những phút bù giờ cuối cùng trước Viettel tại vòng 3 và Quảng Ninh tại vòng 7. Một trận khác, gặp Hải Phòng, thì có vấn đề nghiêm trọng về trọng tài. Nói cách khác, có một sự thiếu may mắn không hề nhẹ đeo bám đội bóng thành Nam, khiến họ chưa đạt thành tích như ý dù được xem là mạnh hơn mùa trước.
Cũng không thể không tin một chút vào yếu tố tâm linh. Cụ thể với Nam Định, đó là cái số "không được làm tướng" của ông Nguyễn Văn Sỹ - tượng đài đương đại của bóng đá Nam Định. Ông Sỹ từng cùng đội Xuân Thành Hà Tĩnh từ hạng Nhất xuống hạng Nhì năm 2010. Ông cũng là HLV của Ninh Bình bị giải thể năm 2014. Ông từng làm HLV tạm quyền ở tuyển Việt Nam hồi năm 2013, làm ba trận thua cả ba tại vòng loại Asian Cup 2015. Năm 2018, trong mùa đầu tiên ông làm HLV trưởng khi Nam Định trở lại với V-League, đội phải đá play-off, suýt xuống hạng.
Năm ngoái, ông Sỹ phải nhờ anh ruột Nguyễn Văn Dũng - cũng là một huyền thoại bóng đá thành Nam - làm HLV, thì Nam Định mới trụ hạng. Còn mùa này, khi Nam Định đá hay mà vẫn thua, ông Sỹ lại phải nhờ đàn em Phạm Hồng Phú làm HLV trưởng. Nam Định lập tức đổi vận, thắng hai trong ba trận gần nhất. Hồi còn làm cầu thủ, ở mùa giải cuối cùng chơi cho đội bóng quê hương năm 2004, ông Sỹ vừa làm đội trưởng vừa làm trợ lý HLV, Nam Định đá tưng bừng nhưng cuối giải, chỉ về nhì khi kém HAGL vỏn vẹn hai điểm.
Nếu chúng ta vẫn nói rằng, may mắn là một phần của bóng đá, việc "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là chuyện không thể xem nhẹ. HLV Park Hang-seo luôn cầu nguyện khi đến sân "lạ". Với các cầu thủ, đó là một phần của công việc. Va chạm, phạm lỗi trong bóng đá là chuyện bình thường. Nhưng cùng một cú tắc bóng của đối thủ, nếu may mắn thì chỉ đau một chút, nằm sân rồi thi đấu tiếp. Nhưng nếu không may, cầu thủ sẽ chấn thương nặng, có thể tiêu tan sự nghiệp. Cầu thủ giỏi đến mấy, cũng không thể kiểm soát được việc vào bóng của đối thủ, nên ít nhiều phải phó thác cho vận may.
Với các thủ môn, 10 người có lẽ phải đến chín người đều có những cách cầu nguyện riêng trước khi đứng vào khung thành. Hơn ai hết, khả năng bảo vệ mành lưới của thủ môn phụ thuộc không ít vào may mắn. Cũng vì điều này, trước khi thi đấu, các đội bóng thường thực hiện một vài hành động "lạ" ở những cầu môn. Họ tin rằng, bóng đi thẳng vào lưới hay chệch hướng vào xà ngang, cột dọc, có khi chỉ là sự khác biệt về... phong thủy.
Nhưng câu chuyện tâm linh, nói cho cùng, chỉ là một cách để những người làm bóng đá đem ra để lý giải cho một vài chi tiết đặc biệt nào đó trong quá trình thi đấu. Nhất là ở các trận cầu có sự cân bằng giữa hai đội, khả năng chiến thắng hầu như chẳng bên nào có thể nắm chắc, và họ đành phải cậy vào vận may. Dù vậy, cần phải rõ ràng: may hay không, thì phải... đá hay hơn đối thủ trước đã.
Một trong những câu chuyện về tâm linh trong thi đấu được truyền miệng nhiều nhất trong lịch sử giải vô địch quốc gia Việt Nam, là lần xuống hạng của đội Thừa Thiên Huế mùa 1996. Trước khi lượt về của mùa giải đó diễn ra, hằng đêm, hai đầu cầu môn của sân Tự Do đỏ rực vì những nén hương mà các CĐV Huế lén vào cắm để "giải hạn". Người hâm mộ tin vào câu chuyện về người bạn gái chẳng may chết trẻ của Quý Tâm Anh - thủ môn đang bắt cho Thừa Thiên Huế lúc đó - vẫn đến sân xem bóng đá, nên đội nhà đá suốt lượt đi mà chẳng thắng nổi trận nào trên sân nhà, dù đang là đương kim á quân. Sang lượt về, Thừa Thiên Huế thắng được hai trận trên sân Tự Do. Nhưng đó cũng là hai chiến thắng hiếm hoi của họ trong toàn bộ mùa giải và đội bóng phải xuống hạng, đến tận năm 2007 mới trở lại V-League.
Thật ra, câu chuyện tâm linh ấy chỉ là giai thoại bên lề. Với giới chuyên môn, Thừa Thiên Huế rớt hạng vì họ không đánh giá đúng năng lực thực sự của bản thân. Mùa trước đó (1995), bóng đá Huế lần đầu tiên trong lịch sử mới có mặt tại sân chơi cao nhất - giải các đội mạnh quốc gia. Khi ấy, bóng đá Việt Nam còn bao cấp, một đội tân binh như Huế lẽ ra phải "biết thân biết phận". Nhưng mùa đó, đội bóng do cố HLV Ninh Văn Bảo - một người con của đất Nam Định - dẫn dắt đã tiến thẳng đến trận chung kết trên sân Thống Nhất và thua Công An TP HCM. Người hâm mộ Huế ăn mừng chức á quân tưng bừng cả tuần lễ như thể họ vô địch.
Nhưng việc "vuốt mặt không nể mũi" của Thừa Thiên Huế khi đó khiến cả làng cầu Việt Nam giận dữ. Và hậu quả sang mùa 1996, 11 đội bóng còn lại cứ gặp Huế là đá "chết bỏ". Trong tình cảnh mà mỗi trận đấu đều là một trận chung kết, thầy trò ông Ninh Văn Bảo không thể chống đỡ. Những nén hương giải vận trên sân Tự Do không đem lại ý nghĩa gì với một đội bóng vốn dĩ chưa đủ khả năng để trở thành quyền lực thực thụ. Lịch sử bóng đá Việt Nam, mãi đến năm 2003, mới ghi nhận tình huống gần tương tự về những gì bóng đá Huế trải qua. Đó là khi tân binh HAGL vừa thăng hạng đã lên ngôi vô địch, trong khi nhà ĐKVĐ Cảng Sài Gòn lại rớt hạng.
May mắn là một phần của bóng đá, nhưng nó không nói lên được điều gì. Thanh Hóa tưởng là "thay tướng, đổi vận" sau khi HLV Nguyễn Thành Công đến, và có liền bốn trận bất bại (thắng ba, hòa một), chỉ thủng lưới một bàn. Nhưng sau đó, khi các đối thủ đã nắm được cách bố trí chiến thuật của HLV mới, ngay lập tức, đội bóng xứ Thanh thua liền hai trận, nhận sáu bàn thua và không ghi nổi bàn nào. Thành tích này còn tệ hơn ba trận đầu tiên của cựu HLV Fabio Lopez. Nghĩa là, năng lực của Thanh Hóa chỉ đến thế, kể cả khi bầu Đệ quyết định thay HLV một lần nữa thì "vận" cũng khó mà đổi. Tính từ khi bầu Đệ chia tay HLV Nguyễn Đức Thắng hôm 1/7/2019, Thanh Hóa đá 22 trận, chỉ thắng năm, hòa ba và thua đến 14 trận dưới bốn đời HLV khác nhau.
Chuyện của Quảng Nam cũng gần tương tự. Sau khi thay HLV, họ thắng SLNA nhờ hưởng lợi từ quyết định trọng tài. Nhưng khi chơi một trận "xanh chín" với Nam Định, họ không có gì hơn đối thủ. Cứ nhìn tấm gương Hà Nội, mạnh đến mức "vô đối" nhưng khi thiếu các trụ cột quan trọng nhất của lối chơi, họ trở nên tầm thường biết bao. Chấn thương quá nhiều không phải là do kém may mắn, bởi nói cho cùng, chính các cầu thủ đó đã phải cày ải rất nhiều mới giúp Hà Nội có hai mùa bóng trước hết sức thăng hoa.
Song Việt