Các CĐV Nam Định ký đơn đề nghị VFF treo còi vĩnh viễn trọng tài Vũ Phúc Hoan sau trận thua Hải Phòng 0-2 tại vòng 6. Một phần nguyên nhân là việc ông Hoan không rút thẻ đỏ với Phạm Mạnh Hùng, đội trưởng Hải Phòng có nhiều pha phạm lỗi thô bạo. Sang vòng 7, đến lượt HAGL là nạn nhân của những cú vào bóng kiểu phi cả hai chân của trung vệ gốc SLNA, mà một trong số đó là đá thẳng vào bụng Minh Vương. Nhưng Mạnh Hùng vẫn chưa nhận thẻ đỏ.
Sự nghiệp của Mạnh Hùng là ví dụ cho sự liên quan giữa Công tác Đào tạo – Trọng Tài – Bạo lực. Cầu thủ này sinh năm 1993, và khi chưa đầy 18 tuổi đã được đôn lên đội một SLNA nhờ thành tích ghi ba bàn và là cầu thủ hay nhất giải U17 năm 2010. Cũng gần như ngay lập tức, anh bị trả về đội trẻ do thiếu kỷ luật, cộng với chấn thương. Khi SLNA trẻ hóa mùa 2013, Mạnh Hùng lại được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cơ hội lên đội một, đá cặp với đàn anh Huy Hoàng. Ai cũng hy vọng đây sẽ là một phiên bản hoàn hảo của Nguyễn Hữu Thắng. Khi đó, ở tuổi 20, Mạnh Hùng đã được triệu tập lên tuyển U23 và đội tuyển quốc gia.
Dù được đánh giá là tài năng, lối chơi bạo lực của Mạnh Hùng khiến hậu vệ này không vươn đến đỉnh cao. Mùa 2015, bóng đá Việt Nam sôi sục với pha vào bóng gây chấn thương nặng của trung vệ Quế Ngọc Hải, nhưng lúc đó tại SLNA, Mạnh Hùng mới là hậu vệ khét tiếng nhất, với tám thẻ vàng và một thẻ đỏ. Cũng trong năm 2015, khi được bổ sung cho đội U21 của SLNA, hậu vệ này tiếp tục màn triệt hạ đối phương, chửi mắng trọng tài và bị VFF cấm thi đấu ba trận. Phía SLNA cũng kỷ luật nội bộ, không cho Mạnh Hùng trở lại đội một. Mùa 2014, anh cũng xếp đầu danh sách thẻ phạt của đội bóng xứ Nghệ với năm vàng, một đỏ. Ở một đội bóng nổi tiếng đá rắn như SLNA, việc liên tục dẫn đầu như vậy cũng đủ nói lên mức độ bạo lực trong lối chơi của Phạm Mạnh Hùng.
Chính SLNA cũng không thể "chịu đựng" được cầu thủ mà họ đào tạo ra. Nên dù mới 26 tuổi, Mạnh Hùng không còn chỗ đứng tại quê nhà. Mùa 2019, anh vào đá cho Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ sau một mùa, đội bóng sông Hàn đành lắc đầu, chia tay. Khi cựu cầu thủ xứ Nghệ, Phạm Anh Tuấn đến Hải Phòng làm HLV, xây dựng lối chơi rắn, Mạnh Hùng được ưu ái làm đội trưởng với những phẩm chất quyết liệt. Hải Phòng từ đầu giải đến nay mới ghi bốn bàn - thấp nhất giải, nhưng là đội bóng xếp thứ hai về số thẻ vàng. Nếu các trọng tài mạnh tay hơn, chắc chắn là đội bóng này đã có thẻ đỏ dành cho Mạnh Hùng để vươn lên xếp số một về mức độ bạo lực. Vì vậy, ban huấn luyện HAGL đã phải "cất" nhiều cầu thủ quan trọng của họ trong trận đấu tại Lạch Tray ở vòng 7. Họ hiểu "tầm" cầu thủ như Tuấn Anh, Xuân Trường... sẽ không thể đứng vững trước kiểu đá hiện nay của Hải Phòng.
Nhưng trước khi nói đến sự mong manh của HAGL, phải nhắc đến yếu tố trọng tài. Sau vòng 8 V-League, trung bình chỉ 3,2 thẻ vàng mỗi trận, và ngạc nhiên hơn, chỉ ba thẻ đỏ qua 56 trận - tỷ lệ chỉ là 0,05 thẻ mỗi trận. Thể thức thi đấu hiện nay khiến từng trận đấu của giai đoạn một như các trận chung kết, các đội đều chọn lối chơi rắn, phòng ngự sâu để hạn chế bàn thua, nhưng tỷ lệ về thẻ phạt như vậy lại không tương xứng, thậm chí còn thấp hơn mức trung bình của các mùa trước. Đây là một chi tiết bất hợp lý, phần nào đó cho thấy bản lĩnh của các trọng tài có vấn đề, không đủ dũng cảm để rút thẻ cho các hành vi bạo lực.
Có thể thấy được phần nào những giới hạn về năng lực trọng tài ở sự cố bóp cổ VĐV tại giải hạng Nhất. Người đáng nhận thẻ đỏ phải là HLV Hứa Hiền Vinh. Nếu đã quan sát thấy hành vi đá bóng vào cabin của cầu thủ An Giang, trọng tài chắc chắn phải thấy hành động của HLV. Cách xử lý không đúng người, đúng việc của trọng tài cho thấy bản thân vị vua áo đen cũng chẳng nắm rõ đâu mới là cái ông cần răn đe, trừng phạt.
Cầu thủ có thể không chọn được nơi nào, hoặc ai sẽ là người trực tiếp đào tạo họ. Cầu thủ "lò" SLNA có thể được đào tạo để chơi rắn ngay từ khi mới vào trung tâm, ngược lại cầu thủ đi ra từ "lò" HAGL không hề được dạy chơi xấu, tiểu xảo. Nhưng khi trưởng thành, bắt đầu thi đấu ở V-League, cầu thủ hoàn toàn có thể thay đổi trong môi trường bóng đá ở CLB, nơi sinh hoạt và sự nghiêm minh của trọng tài khi thi đấu giúp họ thay đổi. SLNA đâu chỉ đào tạo ra các đấu sĩ, mà có những Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Lê Công Vinh... Họ tốt hay xấu sau này, phần lớn là do cách đối xử trong thi đấu. Ở SLNA, Quế Ngọc Hải từng là "hung thần" nhưng sau sự cố với cầu thủ Đà Nẵng - Anh Khoa, được thầy Park quan tâm và chuyển sang Viettel thi đấu, anh hoàn toàn khác. Tương tự là Trọng Hoàng. "Lò" SLNA cũng từng có những Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Vinh, Lâm Tấn... chơi ở vị trí hậu vệ nhưng mềm mại, không bạo lực.
Ở góc độ ngược lại, HAGL bị trói vào những "phạm trù đạo đức" khiến cho họ trở nên yếu ớt một cách không cần thiết. Như vậy cũng chẳng hay. Mỗi trận đấu trôi qua là người ta sẽ lo Xuân Trường hay Tuấn Anh tái phát chấn thương. Hậu vệ Vũ Văn Thanh sau khi chữa thương, đang đánh mất phong độ, chỉ vì... sợ va chạm. Nhưng cũng là một cầu thủ đến từ HAGL, khi sang đá cho TP HCM, lại là một Công Phượng hoàn toàn khác. Không ngại va chạm, chẳng nề hà tranh cãi với đối phương. Đấy là một phần của sân cỏ, nó không làm cho Công Phượng trở nên xấu xí, thô bạo hay mất đi nét mềm mại khi xử lý bóng.
Nên để cho một tài năng như Mạnh Hùng càng đá càng bậy, hoặc như các cầu thủ HAGL đá mãi không lớn, thì trách nhiệm rất lớn nằm ở cách hành xử của trọng tài hay những người như HLV Hứa Hiền Vinh. Trọng tài giữ kỷ cương trên sân. HLV là người giúp cầu thủ trưởng thành trong đời sống. Nếu cả hai nhân vật này đều thiếu năng lực, không đủ tư cách và quên mất nhiệm vụ của họ, mọi thứ sẽ hỏng bét.
Song Việt