Bà Đỗ Hồng Phương - chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam chia sẻ cùng VnExpress về tầm quan trọng việc tiêm vaccine Covid-19 với phụ nữ cho con bú và lợi ích thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
- Nhóm tư vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới về Tiêm chủng (WHO SAGE) đưa ra khuyến cáo như thế nào với phụ nữ đang cho con bú ?
- WHO SAGE khuyến cáo: nếu phụ nữ đang cho con bú thuộc "nhóm nguy cơ cao", tương tự nhân viên y tế hoặc nhóm được đề nghị tiêm chủng, thì có thể được tiêm chủng. Do đó, những người khỏe mạnh đang cho con bú hoặc vắt sữa có thể được tiêm vaccine.
Nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng với sức khỏe của trẻ sơ sinh và bà mẹ của trẻ. Nghiên cứu về vaccine Covid-19 không bao gồm phụ nữ cho con bú hoặc xem xét ảnh hưởng của vaccine mRNA hay vaccine không sao chép đối với họ lẫn trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, việc không có dữ liệu không có nghĩa là vaccine không an toàn cho phụ nữ cho phụ nữ đang cho con bú hoặc con của họ, do đó hướng dẫn của WHO SAGE khuyến cáo các bà mẹ đã được tiêm chủng nên tiếp tục cho con bú sau khi tiêm chủng.
- Nhiều người băn khoăn mẹ cho con bú sau khi tiêm phòng có an toàn không, xin bà giải thích thêm?
- WHO SAGE làm rõ rằng: "Vì vaccine không phải là vaccine virus sống và mRNA không xâm nhập vào nhân tế bào và bị phân hủy nhanh chóng, nên về mặt sinh học và lâm sàng nó không có khả năng gây rủi ro cho trẻ đang bú mẹ". Trong khuyến cáo cũng nói rõ, AZD1222 là vaccine không sao chép, do vậy nó không có khả năng gây rủi ro cho trẻ đang bú mẹ. Các bà mẹ đã tiêm phòng được khuyến khích tiếp tục cho con bú để bảo vệ con của họ.
Đối với bà mẹ đang nuôi con bú nếu có biểu hiện ốm hoặc đang thực hiện cách ly tại nhà do nghi tiếp xúc với nguồn lây, cần chú ý: báo ngay cho cán bộ y tế để được tư vấn, nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là cách tốt nhất và an toàn cho trẻ.
Khi cho con bú, mẹ cần rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi ôm con cho bú. Đeo khẩu trang đúng cách khi cho con bú cũng như mọi thời điểm tiếp xúc với bé. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng, bé hay hôn con trước, trong, sau khi cho con bú.
Nếu không muốn hoặc không thể trực tiếp cho con bú, bà mẹ có thể vắt sữa để người khác cho trẻ uống bằng cốc hoặc thìa sạch.
- Sữa mẹ được khuyến cáo rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, xin bà chia sẻ rõ hơn?
- Nếu có một loại vaccine có thể giúp phòng tránh tử vong cho hơn một triệu trẻ em, chi phí thấp, an toàn, uống trực tiếp và không cần bảo quản lạnh, vaccine đó sẽ là một nhu cầu cấp thiết cho sức khỏe cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm được tất cả điều này và còn nhiều hơn thế.
Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Những lợi ích của sữa mẹ bao gồm:
Chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, thúc đẩy sự tăng trưởng tối ưu của trẻ: Sữa mẹ có cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn với trẻ. Khi đứa trẻ vừa sinh ra, sữa mẹ chính là yếu tố miễn dịch đầu tiên giúp chống lại bệnh tật. Sữa mẹ an toàn và tiện lợi, không cần chuẩn bị gì, đặc biệt an toàn cho trẻ trong điều kiện thiếu nước sạch và vệ sinh kém.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những thực hành có lợi nhất mà một bà mẹ có thể thực hiện để bảo vệ con mình khỏi nhiễm khuẩn và virus.
Những trẻ được bú mẹ ít phải đến bệnh viện hơn hoặc ít phải uống thuốc; giảm nguy cơ lây nhiễm, mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn, nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Hơn nữa, nếu trẻ không được bú mẹ sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường loại I và loại II cũng như bệnh cao huyết áp, tim mạch.
Nuôi con bằng sữa mẹ có thể tăng chỉ số thông minh và cải thiện kết quả học tập sau này của trẻ. Trẻ bú mẹ càng lâu thì càng có khả năng trí tuệ cao hơn, điều này được thể hiện qua những kỹ năng vận động, kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức hoàn thiện hơn.
Có lợi cho kinh tế gia đình: Ước tính trung bình mỗi gia đình tiêu tốn khoảng từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi tháng nếu dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ. Nhờ các lợi ích về mặt sức khỏe của nuôi con bằng sữa mẹ, các gia đình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho việc khám chữa bệnh.
Tăng sức khỏe cho mẹ: Các bà mẹ cho con bú có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại II, ung thư vú, ung thư buồng trứng, loãng xương và trầm cảm sau khi sinh. Đồng thời giảm nguy cơ bị thiếu máu và có hàm lượng oxytocin trong máu cao hơn nên có thể giảm căng thẳng.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp tránh thai tốt hơn. Các bà mẹ cho con bú hoàn toàn thường không rụng trứng trong ít nhất sáu tháng sau khi sinh, ngược lại, nếu không cho con bú thì quá trình này có thể xảy ra sau sáu tuần. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu và không có dấu hiệu có kinh nguyệt trở lại thì khả năng mang thai dưới 2%.
Đóng góp cho xã hội: Ở các nước trên thế giới, hàng triệu lít sữa mẹ đóng góp đáng kể vào nguồn cung lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ý nghĩa của đóng góp này hiếm khi được ghi nhận. Đây là một số ví dụ từ Australia, Mali và cả ở Việt Nam, những nước mà ước tính giá trị ròng của lượng sữa mẹ (tiết ra) hàng năm là khoảng 600 triệu USD. Ở Việt Nam, lượng sữa mẹ sản sinh ra có giá trị lên đến 550 triệu USD đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân hàng năm.
Trẻ được bú mẹ ít bị ốm hơn cả khi bé lẫn lớn lên, có thể giảm gánh nặng hơn lên hệ thống y tế. Ở Việt Nam ước tính chúng ta sẽ tiết kiệm 10 triệu USD cho hệ thống y tế nếu các bà mẹ được hỗ trợ để nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu.
Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng sữa mẹ là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo và không gây tổn hại đến môi trường. Không cần xây các nhà máy sản xuất sữa mẹ hoặc sử dụng nhiên liệu để vận chuyển sữa, sản xuất bình bú.
- Các thực hành cơ bản theo khuyến cáo của WHO và UNICEF là gì?
- Ba thực hành cơ bản gồm: cho trẻ bú sớm trong một giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn cùng với cho ăn bổ sung hợp lý.
Trẻ bú sớm trong một giờ đầu sau sinh giúp ngăn ngừa tử vong sơ sinh do nhiễm trùng huyết, viêm phổi và tiêu chảy, tử vong liên quan đến hạ thân nhiệt, đặc biệt là ở trẻ sinh non và nhẹ cân. Sữa non giúp cung cấp các yếu tố miễn dịch và là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Trẻ bú sớm được thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành tối ưu của ruột và hệ miễn dịch
Trong sáu tháng đầu đời, trẻ cần dinh dưỡng là sữa mẹ hoàn toàn. Giai đoạn này trẻ không cần nước hay các loại thức ăn nào khác. Thực hiện đúng nguyên tắc này giúp cải thiện cơ hội sống sót của trẻ và thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển thể chất lẫn trí lực của trẻ. Dinh dưỡng tốt góp phần nâng cao thành tích học tập và cả khả năng kinh tế của trẻ trong tương lai.
Sau sáu tháng, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng lên, chỉ bú mẹ sẽ không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu. Do vậy khi tròn 6 tháng (180 ngày), mẹ bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung để đảm bảo quá trình phát triển tốt, tăng cân và chiều cao hợp lý. Hãy tiếp tục cho bé bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng vô cùng quan trọng, giúp trẻ tăng cường miễn dịch, hoàn thiện hệ tiêu hóa và phát triển nhận thức.
Từ 6 đến 11 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp hơn 50% nhu cầu năng lượng của bé. Từ 12 đến 24 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp khoảng 30% nhu cầu năng lượng của bé. Cần lưu ý, chất lượng sữa mẹ vẫn là hoàn hảo, không bị kém đi so với lúc trẻ mới sinh. Do vậy, bà mẹ cần cho con bú mẹ đến 24 tháng tuổi.
Quan trọng nhất là niềm tin của người mẹ, hãy tin mình sẽ đủ sữa cho con bú thì sẽ thành công. Niềm tin của mẹ, của bố về việc mẹ đủ sữa và có khả năng cho con bú sẽ lan tỏa sang các thành viên khác trong gia đình. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng 95% bà mẹ đủ sữa cho con bú; chỉ 5% còn lại không đủ do bệnh lý, sức khỏe của mẹ.
- Theo bà, làm thế nào để hỗ trợ tốt hơn phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ?
- Hàng năm, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức vào ngày 1-7/8 tại hơn 170 quốc gia nhằm khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới. Năm nay, chủ đề của tuần lễ này là "Bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ - Cùng sẻ chia trách nhiệm", tập trung vào vai trò của mọi tổ chức, cá nhân.
Chính phủ, các nhà tài trợ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đều có cơ hội đẩy mạnh, thực hiện các khoản đầu tư thông minh và giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở Việt Nam thông qua cam kết về đầu tư nhằm thúc đẩy, hỗ trợ đẩy đủ và hiệu quả việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Điều quan trọng Việt Nam đã có các chính sách và quy định nhằm bảo vệ, thúc đẩy, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ như chế độ nghỉ thai sản 6 tháng, cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 2 tuổi, các tiêu chí về nuôi con bằng sữa mẹ trong bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện, xây dựng gói chăm sóc dinh dưỡng cơ bản... Nhưng quan trọng hơn là đảm bảo những chính sách và quy định này phải được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Đặc biệt cần thực hiện đầy đủ quy định về kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, các biện pháp pháp lý mạnh mẽ và giám sát việc tuân thủ của nhân viên, cơ sở y tế.
Bênh cạnh đó, chúng ta phải tăng cường công tác truyền thông, cung cấp kiến thức, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi của bà mẹ, nhân viên y tế, cộng đồng, để tất cả cùng thúc đẩy, bảo vệ, hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo quyền được nuôi bằng sữa mẹ của trẻ em trong điều 24 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Đồng thời, nuôi con bằng sữa mẹ là một giải pháp hiệu quả về mặt chi phí và là một trong những can thiệp hiệu quả nhất để giảm suy dinh dưỡng thấp còi
Thực hiện nghiêm túc các chính sách này sẽ góp phần tạo dựng một nguồn nhân lực gồm các thế hệ tương lai khoẻ mạnh hơn, thông minh hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Minh Tú