"Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay thứ hai của Mỹ cho thấy sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước", Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam từ ngày 5/3 đến 9/3. Đây là lần thứ hai tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam, hai năm sau chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson. Đến cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng vào ngày 5/3, 5.000 thủy thủ tham dự các hoạt động trao đổi chuyên môn kỹ thuật, giao lưu thể thao, cộng đồng tại Đà Nẵng.
Theo Suorsa, Mỹ điều tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam cho thấy Washington quan tâm tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược với Hà Nội. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump đến Việt Nam năm 2017, hai bên liên tiếp thực hiện các hoạt động hợp tác như tổ chức các chuyến thăm cấp cao, các cuộc đối thoại chiến lược, các chuyến thăm của tàu, hỗ trợ xây dựng năng lực.
"Đà hợp tác tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ là rõ ràng", Suorsa nói.
Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, ngày 6/3 nói với phóng viên các nước rằng chuyến thăm Việt Nam của tàu USS Theodore Roosevelt là một dấu mốc lớn nữa trong quan hệ song phương, thể hiện sự hợp tác và ủng hộ mạnh mẽ, liên tục của Mỹ với Việt Nam. Mỹ ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thực thi các tuyên bố chủ quyền hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế. Các cam kết của hai bên, trong đó có chuyến cập cảng lần này, giúp duy trì quan hệ bền vững, ổn định, có thể dự đoán và dựa trên lợi ích, giá trị cùng sự tin tưởng lẫn nhau.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong ASEAN để cùng thúc đẩy lợi ích chung trong khu vực. Các nước cùng muốn thấy một khu vực dựa trên luật lệ, nơi tự do hàng hải, tự do hàng không được tôn trọng, thương mại không bị cản trở và tranh chấp được giải quyết hoà bình.
Theo Lục Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu chiến lược và an ninh khu vực tại Đại học New South Wales Canberra, Australia, việc tàu sân bay thứ hai của Mỹ thăm Việt Nam giúp hợp tác hai bên phong phú hơn. Quan hệ hai nước đang phát triển ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về an ninh, quốc phòng.
Là người theo dõi sát tình hình an ninh khu vực, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức Rand, Mỹ, cho biết Mỹ từng có kế hoạch đưa tàu sân bay thứ hai thăm Việt Nam từ cuối 2019.
"Mỹ muốn duy trì đà hợp tác với Việt Nam. Do đó chuyến đi của USS Theodore Roosevelt lúc này là lựa chọn tốt nhất, sau khi kế hoạch năm 2019 không được thực hiện", Grossman nói.
Theo Grossman, chuyến thăm không chỉ "hoàn hảo" cho dịp Việt - Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mà còn thể hiện quan hệ an ninh hai bên ngày càng chặt chẽ hơn.
Việt - Mỹ gần đây có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tháng 11/2019 đến thăm Việt Nam, khẳng định cam kết của Washington là duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó ủng hộ quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình.
Mỹ cũng cam kết trang bị cho Việt Nam năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên. Đô đốc Aquilino cho hay Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam trong năm nay, nhằm giúp Việt Nam xây dựng năng lực về an ninh biển. Năm 2017, Tuần duyên Mỹ (USCG) đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam. Trong hai năm 2018-2019, Mỹ đã bàn giao 12 xuồng tuần tra Metal Shark và các cơ sở vật chất cho cảnh sát biển Việt Nam. Các xuồng này có tổng trị giá 32 triệu USD.
Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ (USAF) hàng năm cấp suất học bổng cho phi công Việt Nam. Tháng 6/2019, Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP. Trung tướng Steve Kwast, chỉ huy Bộ tư lệnh huấn luyện đào tạo của không quân Mỹ cho rằng sự hợp tác giữa hai nước giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Suorsa dự đoán có thể Mỹ sẽ tăng số lượng các chuyến tàu thăm cảng Việt Nam thời gian tới. Xu hướng này phù hợp với chính sách đa dạng hóa quan hệ quân sự của Hà Nội với đối tác trong và ngoài khu vực. Nếu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thực hiện hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ, Washington có thể coi Hà Nội là một lựa chọn thay thế Manila để duy trì sự hiện diện ở khu vực.
Suorsa cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong diễn tập, chuyển giao tàu, giúp Việt Nam xây dựng năng lực và đào tạo. Khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, Mỹ có thể thúc đẩy diễn tập an ninh chung ASEAN + Mỹ lần hai, sau lần đầu tiên vào tháng 8/2019.
Chuyên gia Lục Anh Tuấn cũng cho rằng Mỹ trông đợi có thêm nhiều chuyến tàu thăm Việt Nam tương tự trong tương lai, trong khi muốn duy trì hiện diện quân sự tại khu vực. Việc Philippines hủy VFA đang gây bất lợi lớn cho chính sách hiện diện quân sự và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở khu vực.
Theo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump, Washington tăng cường các hoạt động gồm tàu thăm cảng, tuần tra diễn tập nhằm bảo đảm tự do hàng hải, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Mỹ hợp tác với các nước trên cả phương diện song phương và đa phương. Washington cũng xác định có chung lợi ích với các nước ASEAN về các khía cạnh này.
Với đà này, Grossman thậm chí còn nêu khả năng hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.
"Nếu Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ, khuôn khổ mới sẽ cho thấy lợi ích chiến lược chung dài hạn giữa hai bên", Grossman nói.