Hải quân Mỹ hôm qua đăng ảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt di chuyển trên Thái Bình Dương hôm 1/3, cho biết nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm này dẫn đầu đang thực hiện chuyến triển khai tới khu vực quản lý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM).
Ứng dụng theo dõi triển khai lực lượng của Viện Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông hôm 2/3, sau khi hoàn thành đợt diễn tập cùng tàu đổ bộ tấn công USS America ở vùng biển ngoài khơi Philippines.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời thành phố San Diego hôm 17/1 để bắt đầu chuyến triển khai tới khu vực do INDOPACOM quản lý. "Nhóm tác chiến sẽ bảo đảm an ninh, tự do hàng hải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, cũng như hoạt động cùng các đồng minh và đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy ổn định, thịnh vượng khu vực", Không quân Hải quân Mỹ ra thông cáo cho hay.
Trong hội thảo West 2020 diễn ra tại San Diego, California hôm qua, khi được phóng viên hỏi về hoạt động của USS Theodore Roosevelt, đô đốc Philip Davidson, chỉ huy INDOPACOM, cho biết tàu sân bay sẽ tới Đà Nẵng, Việt Nam trong tuần này. "Thông tin đó là chính xác", đô đốc Davidson nói.
USS Theodore Roosevelt (CVN-71) là siêu tàu sân bay thứ tư thuộc lớp Nimitz, được khởi đóng ngày 31/10/1981 và hạ thủy sau đó ba năm. Tàu được đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 25/10/1986 và được đặt theo tên Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ.
USS Theodore Roosevelt có chiều dài 333 m, rộng 77 m và lượng giãn nước đầy tải 106.000 tấn, là một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ. Với thủy thủ đoàn 5.700 người, bao gồm 3.200 thủy thủ thường trực và 2.500 người thuộc biên chế không đoàn tàu sân bay, USS Theodore Roosevelt được ví như một "thành phố nổi" trên đại dương.
Ngoài tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nhóm tác chiến còn có sự góp mặt của tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và 5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Vũ Anh (Theo USNI)