Ngày 2/8, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19, đã đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng. Ông Nhân cho biết tại Vũ Hán, ban đầu chính quyền yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được một người đi chợ một lần trong ngày. Nhưng sau đó không ai được ra ngoài kể cả đi chợ, mỗi gia đình được phát phiếu thông tin nhu yếu phẩm và chính quyền tổ chức đến giao từng nhà.
Đánh giá về đề xuất này, giáo sư Yik Ying Teo, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Việt Nam cần xem xét áp dụng dựa trên một số điều kiện.
Thứ nhất, cần dựa vào quy mô dịch ở Đà Nẵng, khả năng truy dấu người nhiễm và nghi nhiễm. Thứ hai, khả năng quá tải của các bệnh viện. Thứ ba, khả năng tuân thủ các biện pháp phòng dịch như mang khẩu trang và cách biệt cộng đồng của người dân.
Theo giáo sư người Singapore, nếu ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng mà không xác định được nguồn tiếp xúc, các bệnh viện bị quá tải, người dân miễn cưỡng hoặc gặp khó khăn trong tuân thủ các biện pháp phòng dịch, khi đó chính quyền nên áp lệnh cách ly như Vũ Hán để ngăn chặn lây nhiễm.
Ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc để áp lệnh cách ly Đà Nẵng là năng lực của các bệnh viện. Nếu các bệnh viện thiếu các cơ sở chăm sóc đặc biệt, thiếu máy thở, các cơ sở vật chất mà bệnh nhân nặng cần thì nên cách ly.
Cách ly "giúp giảm mạnh ca nhiễm trong cộng đồng và giảm thiểu nhu cầu sử dụng các nguồn lực trong các bệnh viện", Teo nói.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi Việt Nam phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 142 ca, các địa phương khác ghi nhận 60 ca, đều liên quan đến Đà Nẵng.
Trên khía cạnh xã hội, giáo sư Teo cho rằng cách ly hoàn toàn (phong toả) nên được coi là biện pháp cuối cùng của một quốc gia khi xử lý Covid-19. Việc phong toả sẽ gây tác động mạnh đến người dân, nếu họ không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải cho cuộc sống. Ở các nước đang phát triển, nhiều người làm công việc với thu nhập tính theo ngày hoặc tuần, họ sẽ bị thiếu thực phẩm và thuốc men nếu lệnh cách ly kéo dài khoảng 6 tuần. Khi đó chính phủ cần trợ cấp cho người dân.
Nhắc đến việc Việt Nam chưa tìm ra nguồn bệnh của ca nhiễm đầu tiên, giáo sư Teo cho hay Việt Nam không cần phải tìm ra, vì FO có thể đã hồi phục sau 14 ngày. Do đó, điều quan trọng hơn lúc này là Việt Nam cần "chặt đứt" tất cả đường lây nhiễm, không để dịch lây lan thêm trong cộng đồng.
Giáo sư Teo khẳng định các biện pháp thiết yếu mà Việt Nam cần làm là truy dấu tất cả các trường hơp nghi nhiễm, cách ly sớm; nhất quán trong nhắc nhở người dân tự bảo vệ mình như mang khẩu trang, cách biệt cộng đồng, giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tương tác với người khác và đi ra ngoài; tạm đóng các địa điểm công cộng gồm quán bar, rạp chiếu phim, karaoke, các buổi lễ tôn giáo, phòng tập; cho phép người dân làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, giáo sư Teo đề xuất Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào xét nghiệm nhanh do tỷ lệ lỗi cao. Thay vào đó, Việt Nam nên thực hiện xét nghiệm PCR đối với những người có nguy cơ cao.
Với những người ra khỏi Đà Nẵng bằng xe khách, giáo sư Teo cho rằng họ cũng mang nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng tương đương với những người di chuyển bằng các phương tiện khác như máy bay, tàu. Nguyên nhân là chính quyền các địa phương có thể không yêu cầu họ cách ly trong 14 ngày. Từ khi Covid-19 tái xuất, Việt Nam hàng ngày đều ghi nhận ca nhiễm mới, có ngày lên đến hơn 40 ca. Tuy nhiên, giáo sư Teo cho rằng số ca nhiễm mới không phải là chỉ số chuẩn để đánh giá "tỷ lệ cao hay thấp", mà cần nhìn vào năng lực xử lý của bệnh viện. Ví dụ, bệnh viện chỉ có thể chữa trị cho 5 người, thì 10 ca nhiễm mới sẽ là điều tồi tệ.
Riêng tại Đà Nẵng, giáo sư Teo nhận định tình hình khá phức tạp, vì bệnh viện là nơi có người nhiễm nCoV. Do đó điều quan trọng là cần kiểm soát tình hình ở các bệnh viện, đảm bảo các nhân viên y tế được bảo vệ, có đủ dụng cụ cần thiết, người đến thăm bệnh nhân không bị lây nhiễm. Các bệnh nhân cần được giữ khoảng cách, chia theo mức độ nghiêm trọng cần điều trị. Chính quyền Đà Nẵng cần lập các bệnh viện dã chiến tại các địa điểm công cộng và trường học, nơi dành cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, để dành bệnh viện cho các ca có nguy cơ cao như người già, người có nhiều bệnh nền.
Giáo sư Yik-Ying Teo từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (CIDER) của Singapore năm 2015 - 2017. Hiện ông còn là thành viên Hội đồng các nhà khoa học của Chương trình khoa học biên giới quốc tế (HSFP), thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm khu vực về Y học nhiệt đới và Mạng lưới Y tế công cộng của Đông Nam Á.
Hôm 1/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu phải giải phóng nhanh Bệnh viện Đà Nẵng, giảm hiện diện của bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên. Ông Long cho rằng nhân viên y tế ở đây "quá nhiều", phải giảm số lượng, đưa ra ngoài, cách ly ở khách sạn.
Đà Nẵng cũng lập bệnh viện dã chiến ở khu thể thao Tiên Sơn, dự kiến điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, với quy mô 700 giường và có thể nâng lên 1.000 giường.
Đề cập nguy cơ ca nhiễm tăng ở các địa phương, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM khi hàng chục nghìn người trở về từ Đà Nẵng, chuyên gia Singapore khuyến cáo Việt Nam nên tập trung cao độ để xử lý dịch trong tuần thứ hai của tháng 8, từ ngày 10/8 đến 16/8.
Giáo sư Teo cho biết trong số lượng lớn du khách được sơ tán khỏi Đà Nẵng trong tuần cuối tháng 7, có thể có người đã bị nhiễm bệnh trước khi trở về các tỉnh. Vì thế tuần giữa tháng 8 là lúc xác định những người nghi nhiễm có thực sự bị nhiễm không, có lây cho người khác không. Ông cho rằng tất cả các địa phương của Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ, tìm ra nguồn lây nhiễm nếu có các ca mới. Giới chức nên thực hiện nghiêm ngặt việc truy dấu.
"Tôi cho rằng tuần tới là thời điểm mang tính quyết định với Việt Nam trong chặn Covid-19", Teo nói.