Greg Hayes, CEO tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon, hôm 25/10 cho biết đã bàn giao hai hệ thống phòng không NASAMS cho chính phủ Mỹ và chúng đang được lắp đặt tại Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng sự xuất hiện của NASAMS có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV), nhất là khi các tiêm kích nước này gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đánh chặn các đòn tập kích của Nga.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng hai hệ thống NASAMS không đủ để giúp Ukraine tạo ô phòng không lớn, có tác động xoay chuyển cục diện chiến trường.
"Chúng chỉ giúp Ukraine kiểm soát một phần không phận, bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự hoặc các nhà máy công nghiệp thiết yếu. Nhiệm vụ chính của NASAMS sẽ là đối phó với UAV tự sát", Alexander Mikhailov, chuyên gia thuộc Viện Phân tích Chính trị - Quân sự có trụ sở tại Moskva, nhận xét.
NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tuy nhiên, Mikhailov cho rằng tên lửa AMRAAM quá đắt đỏ, khiến nỗ lực đánh chặn các UAV giá rẻ sẽ rất tốn kém và khó duy trì trong thời gian dài.
"Mỗi quả đạn AMRAAM xuất khẩu có giá hơn một triệu USD, không phù hợp để đánh chặn mục tiêu chỉ vài chục nghìn USD như UAV. Nga đang áp dụng chiến thuật mở màn tiến công bằng lượng lớn UAV tự sát, sau đó tung đòn quyết định bằng tên lửa. Đối phương sẽ phải khai hỏa nhiều đạn đánh chặn đắt tiền trước khi đối mặt với những tên lửa hiện đại", ông nói.
UAV tự sát đặt ra nhiều mối đe dọa, nhưng chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Chúng thường có giá tương đối rẻ, dễ dàng triển khai với số lượng lớn và mang lượng thuốc nổ đủ mạnh để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự quan trọng. Đây được coi là kịch bản ác mộng với mọi quốc gia, khi hàng chục UAV giá rẻ cùng lao tới mục tiêu từ nhiều hướng, gây quá tải hệ thống phòng không.
Alexey Leonkov, tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc có trụ sở tại Nga, nhận định sử dụng lượng lớn UAV tự sát cũng giúp Moskva truy tìm và tập kích các trận địa NASAMS được triển khai tại Ukraine.
"Nếu hệ thống phòng không NASAMS khai hỏa, họ sẽ lộ vị trí và có thể hứng đòn tập kích. Nếu không phóng đạn, đối phương sẽ để lọt lượng lớn UAV tự sát, cho phép chúng lao đến mục tiêu", ông nêu quan điểm.
Mikhailov cho rằng Washington chuyển NASAMS cho Kiev nhằm thử nghiệm loại vũ khí này trong điều kiện thực tế, trong bối cảnh đây là hệ thống phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ.
"Washington đang đánh giá hệ thống nào sẽ được đưa vào lá chắn phòng thủ trong tương lai. Ukraine là thao trường thử nghiệm lý tưởng", chuyên gia Nga nhận định.
Mỹ chưa bình luận về nhận định này, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine các tổ hợp NASAMS tiếp theo cũng như nhiều loại khí tài khác để nước này đối phó với Nga.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)