Sputnik dẫn lời George Friedman, cựu giám đốc tổ chức phân tích tình báo Stratfor, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania không đủ sức để bảo vệ châu Âu trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện.
Friedman cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này chỉ được thiết kế để chống lại một số lượng nhỏ tên lửa hạt nhân và hoàn toàn không thích hợp để đối phó với một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga.
Chuyên gia này nghi ngờ rằng việc Mỹ lập các lá chắn tên lửa ở Đông Âu thực chất chỉ là một động thái chính trị nhằm thể hiện sự ủng bộ của Washington đối với các đồng minh trong khu vực, chứ không có ý nghĩa thực tế về mặt quân sự.
"Từ sau Thế chiến II, không một quốc gia nào có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân dù với mục đích gì. Vũ khí hạt nhân không đem lại lợi ích cả", ông Friedman khẳng định.
Các quan chức Mỹ và NATO hôm 11/5 khẳng định sẽ kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và đầu tư hàng tỷ USD.
Theo Mỹ, mục đích của lá chắn tên lửa là nhằm bảo vệ khu vực Bắc Mỹ và châu Âu trước những quốc gia họ coi là "hiếu chiến" như Iran và Triều Tiên. Dù Tehran đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới về việc hạn chế chương trình hạt nhân, phương Tây tin rằng Iran vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Nước này đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng mục đích thực sự của lá chắn tên lửa là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Moscow đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga trước, trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Xem thêm: Nga triển khai tên lửa hạt nhân mới có thể san bằng một quốc gia.
Nguyễn Hoàng