Theo Reuters, các quan chức Mỹ và NATO ngày mai sẽ kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và đầu tư hàng tỷ USD.
"Giờ chúng ta có khả năng bảo vệ NATO ở châu Âu", ông Robert Bell, phái viên tại NATO của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, nói. "Iran đang gia tăng khả năng và chúng ta phải đi trước họ. Hệ thống này không nhằm chống lại Nga", ông nói và cho biết thêm hệ thống sẽ sớm được bàn giao cho NATO.
Mỹ cũng sẽ khởi công xây dựng một công trình thứ hai tại Ba Lan vào ngày 13/5 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, giúp NATO có một lá chắn thường trực, hoạt động 24/24, ngoài các tàu và radar đã được bố trí ở Địa Trung Hải.
Theo Mỹ, mục đích của lá chắn tên lửa là nhằm bảo vệ khu vực Bắc Mỹ và châu Âu trước những quốc gia họ coi là "hiếu chiến" như Iran và Triều Tiên. Mặc dù Tehran đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới về việc hạn chế chương trình hạt nhân, phương Tây tin rằng Iran vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Nước này đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng mục đích thực sự của lá chắn tên lửa là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Moscow đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga trước, trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Lá chắn hoạt động dựa trên các radar có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo vào không gian. Cảm biến theo dõi sau đó đo quỹ đạo và đánh chặn tên lửa, phá hủy nó trong không gian trước khi nó tái nhập bầu khí quyển của trái đất. Tên lửa đánh chặn có thể được phóng từ tàu hoặc trên đất liền.
Đại sứ Nga tại Đan Mạch một năm trước cảnh báo rằng các tàu chiến Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân của Nga, nếu Đan Mạch tham gia dự án lá chắn bằng cách cài đặt radar trên các tàu của mình. Đan Mạch đang nâng cấp ít nhất một tàu khu trục nhỏ để có thể cài đặt thiết bị cảm biến tên lửa đạn đạo.
"Các địa điểm phòng thủ tên lửa đạn đạo có thể đặt ra mối đe dọa đến sự ổn định và các tài sản chiến lược của Liên bang Nga", Đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko, nói hồi tháng trước.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng quan điểm của Nga là "hoang tưởng" và chỉ trích Moscow đã phá vỡ các cuộc đàm phán với NATO vào năm 2013, vốn được thiết kế nhằm giải thích cách lá chắn hoạt động.
Xem thêm: Bên trong tàu ngầm tấn công hạt nhân ở tiền tuyến căng thẳng Nga - Mỹ
Phương Vũ