Tiêm kích Su-57 biểu diễn tại triển lãm hàng không Moscow 2017
Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt tên cho tiêm kích tàng hình mới là Su-57, đồng thời ấn định thời hạn biên chế loại máy bay này vào năm 2019. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ vẫn tỏ ý chê bai, cho rằng Su-57 chỉ là "một nỗi thất vọng lớn", theo Bussiness Insider.
Nga bắt đầu bay thử bản mẫu đầu tiên của Su-57 vào năm 2010, đánh dấu việc nước này tham gia cuộc đua chế tạo tiêm kích thế hệ 5. Tuy nhiên, Su-57 chưa chứng tỏ được chỗ đứng trong tương lai hàng không quân sự Nga.
Dù được gán biệt danh "bóng ma trên không", khả năng tàng hình thật sự của Su-57 vẫn là một dấu hỏi lớn. Công nghệ tàng hình là một trong các trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng tới việc xác định tính năng Su-57. Moscow cho biết diện tích phản xạ radar (RCS) của Su-57 vào khoảng 0,01 m2, còn một số nguồn tin Ấn Độ lại khẳng định con số này ở mức 0,3 m2. Trong khi đó, RCS của tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ ước tính chỉ khoảng 0,0001 m2 và F-35 là 0,001 m2.
Chỉ số RCS là thông tin tuyệt mật của mỗi quốc gia, các máy bay tàng hình thường gắn thiết bị đặc biệt để che giấu RCS trong thời bình. Cả Nga và Mỹ đều không công bố chỉ số RCS chiến đấu cơ của họ, dẫn tới việc giới phân tích chỉ có thể đưa ra phỏng đoán. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ vẫn nhận định Su-57 có RCS lớn hơn tiêm kích F-22.
Chuyên gia quân sự Alex Lockie cho rằng Su-57 cũng bị hạn chế về khả năng tàng hình khi mang vũ khí. Tên lửa diệt hạm Kh-35UEM và tên lửa siêu vượt âm BrahMos-A, hai vũ khí uy lực nhất của Su-57, đều có kích thước quá lớn, không thể lắp vào khoang vũ khí trong thân và buộc phải treo trên cánh. Điều này làm tăng đáng kể RCS của máy bay, khiến Su-57 mất lợi thế tàng hình trước radar.
Tại triển lãm hàng không Singapore 2016, đại diện tập đoàn Lockheed Martin cho rằng Su-57 khó có thể nằm trong nhóm tiêm kích thế hệ 5, bởi nó thiếu những công nghệ mang tính đột phá so với chiến đấu cơ thế hệ cũ. Trên thực tế, các nguyên mẫu Su-57 vẫn đang sử dụng động cơ AL-41F1S tương tự tiêm kích Su-35. Mẫu Saturn 117S dành riêng cho dòng máy bay này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng Su-57 chưa thể hiện uy lực vượt trội hẳn so với tiêm kích thế hệ 4++ như Su-35S, điểm mạnh duy nhất của nó nằm ở khả năng tàng hình. Điều này khiến không quân Nga chỉ đặt mua 12 chiếc Su-57 để chờ lô sản xuất tiếp theo với những tính năng cải tiến.
Phiên bản nâng cấp của Su-57 dự kiến được trang bị động cơ mới và nhiều tính năng đặc biệt hơn. Nga sẽ thử nghiệm động cơ mới của Su-57 vào cuối năm nay, nhưng nhiều khả năng nó chỉ có thể được đưa vào biên chế sau vài năm. Khi đó, không quân Nga mới có thể mua khoảng 160 chiếc nếu tình hình tài chính cho phép.
Duy Sơn