Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/6 yêu cầu quân đội tiếp tục tiến công để kiểm soát Maryinka, thành phố miền đông Ukraine, sau khi chiếm được Bakhmut.
Tướng Apti Alaudinov, chỉ huy Trung đoàn đặc nhiệm Akhmat của Chechnya, nói rằng Nga đã kiểm soát khoảng 70% diện tích thành phố Maryinka. "Lực lượng chính quy thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Trung đoàn Bộ binh cơ giới số 150, đang tích cực tiến công và đẩy lùi đối phương trên hướng này", ông nói.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), đây là dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga đang lấy lại đà tiến công trên chiến trường Ukraine và quan điểm cho rằng "quân đội Nga đang suy yếu" đã quá lạc hậu hoặc bị hiểu sai dựa trên thông tin không đầy đủ về tình hình thực tế.
"Chủ đề được giới phân tích phương Tây nhắc đi nhắc lại từ khi xung đột bùng phát là quân đội Nga yếu kém hơn hình dung, còn lực lượng vũ trang Ukraine liên tục vượt xa kỳ vọng. Rất ít người nhận thấy rằng sau hơn 15 tháng giao tranh, cục diện chiến trường đã thay đổi và đang dần nghiêng về phía Nga", cựu trung tá lục quân Mỹ Daniel Davis viết trên chuyên trang quân sự 19fortyfive.
Chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng trong giai đoạn đầu chiến sự, kế hoạch tác chiến của Nga có nhiều lỗ hổng từ cấp chiến thuật đến chiến lược. Moskva chỉ huy động gần 200.000 quân cho chiến dịch ở Ukraine, con số được đánh giá là quá nhỏ với nhiệm vụ này, nhất là khi họ phải phân bố trên 4 mặt trận tại một trong những quốc gia có diện tích rộng nhất tại châu Âu.
Những nhược điểm về hậu cần cũng khiến lực lượng Nga gặp khó khăn trong tác chiến, không thể đạt mục tiêu ban đầu là nhanh chóng kiểm soát thủ đô Kiev cùng những đô thị trọng yếu của Ukraine.
Ngược lại, quân đội Ukraine được chuẩn bị kỹ càng và kháng cự quyết liệt hơn nhiều so với nhận định của Nga. Họ đã chặn đứng các mũi tấn công và gây thiệt hại nặng cho đối phương, buộc Nga rút lực lượng khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev và Kharkov, tái tập hợp ở miền đông Ukraine.
Việc chuyển hướng tác chiến và tập trung lực lượng vào mặt trận Donbass giúp Nga giành được hàng loạt thành phố chủ chốt như Mariupol, Lyman, Popasna, Severodonetsk và Lysychansk, củng cố kiểm soát tại hai tỉnh quan trọng là Donetsk và Lugansk. Dù vậy, quân đội Nga vẫn thể hiện nhiều điểm yếu cấp chiến thuật, trong đó có vụ một nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) bị xóa sổ khi cố vượt sông Seversky-Donetsk vào tháng 5/2022.
Quân đội Ukraine lần đầu giành thế chủ động khi mở chiến dịch phản công bất ngờ trên hướng Kharkov vào tháng 9/2022, nhằm vào điểm yếu nhất trong tuyến phòng thủ của lực lượng Nga, khi đó đang tập trung vào mặt trận Kherson ở hướng nam. Các đơn vị Nga phải vội vã rút quân hơn 100 km, lập phòng tuyến mới Svatavo - Kremenna.
Lúc này, quân đội Nga bị đẩy vào thế khó khăn tại thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Họ phải chọn giữa bảo vệ thành phố bằng mọi giá hoặc rút quân sang bờ đông sông Dnieper, nhường quyền kiểm soát đô thị cho lực lượng Ukraine.
Tư lệnh lực lượng Nga tham chiến ở Ukraine khi đó là tướng Sergei Surovikin đã chọn phương án rút quân để bảo toàn lực lượng. Quyết định khiến giới phân tích phương Tây chế nhạo quân đội Nga và cho rằng họ đã tổn thất nặng vì chiến dịch phản công. Những phát biểu về chiến thắng của Kiev liên tục nhận được sự ủng hộ, trong đó cựu tướng lục quân Mỹ Ben Hodges tuyên bố Ukraine "có thể giành chiến thắng trong năm 2022".
"Nhiều người kết luận rằng quân đội Nga cứng nhắc, không có khả năng thay đổi và sẽ duy trì sự yếu kém cho đến khi kết thúc chiến sự. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng Nga vẫn có tiềm lực quân sự khổng lồ để bù đắp thiệt hại. Lịch sử nhiều lần cho thấy Nga từng khởi đầu kém cỏi trong các cuộc chiến và chịu tổn thất nặng nề, nhưng sau đó phục hồi và đảo chiều cục diện", Davis nhận xét.
Trong hơn 15 tháng chiến sự, Ukraine đã thất bại trong 4 trận chiến tại các đô thị trọng yếu gồm Severodonetsk, Lysychansk, Soledar và Bakhmut, đồng thời hứng chịu thiệt hại ngày càng nặng nề.
Cựu trung tá Mỹ nhận định điểm khác biệt lớn là khi đối mặt với sức ép tấn công lớn, Nga sẵn sàng từ bỏ các đô thị để thiết lập phòng tuyến kiên cố hơn ở gần đó, trong khi Ukraine quyết cố thủ đến cùng trong các thành phố.
"Rút khỏi Kharkov và Kherson cho phép Nga xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc hơn, bảo toàn lực lượng khỏi những trận chiến trong đô thị rất ác liệt. Ngược lại, Ukraine mất nhiều binh sĩ và khí tài cho các cuộc giao tranh ở thành phố quan trọng, nhưng cuối cùng vẫn để chúng rơi vào tay đối phương. Quyết định cố thủ Bakhmut bằng mọi giá có thể tác động lớn đến những diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến", ông nói.
Một số nhà phân tích hồi tháng 12/2022 nhận định Ukraine ít có khả năng giữ Bakhmut, khi lực lượng Nga bắt đầu khép vòng vây quanh thành phố và đặt những tuyến tiếp tế của Ukraine vào tầm pháo kích. "Ukraine đáng lẽ nên học hỏi Nga và rút quân về vị trí phòng thủ vững chắc hơn ở Kramatorsk hoặc Sloviansk. Điều đó sẽ khiến Moskva trả giá đắt hơn", Davis nói.
Quân đội Ukraine nhiều khả năng đã mất hàng chục nghìn binh sĩ, cùng lượng lớn khí tài và đạn dược sau 4 trận đánh đô thị. Điều này khiến họ phải chịu nhiều tổn thất hơn, do Nga vẫn còn nhiều quân dự bị để tung vào trận và có khả năng tự chế tạo vũ khí theo nhu cầu chiến trường.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 1/6 cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã xuất xưởng hơn 600 xe tăng để bù đắp cho tổn thất trên chiến trường. RUSI gần đây cũng nhận định lực lượng tăng thiết giáp Nga đã rút được nhiều kinh nghiệm, điều chỉnh chiến thuật và áp dụng hàng loạt cải tiến để thích ứng với thực tế.
"Nga rút nhiều bài học từ các sai lầm chiến thuật, có những bằng chứng cho thấy họ đã cải thiện phương án tác chiến và mở rộng năng lực công nghiệp. Trong khi đó, Ukraine không chỉ thiếu hụt khí tài mà còn mất những binh sĩ dày dạn kinh nghiệm", Davis nhận xét.
Ukraine đang đối mặt với câu hỏi lớn, đó là nên mở chiến dịch phản công khi quân đội còn sức chiến đấu nhằm gây thiệt hại tối đa cho Nga, hay bảo toàn lực lượng đề phòng đối phương mở chiến dịch tiến công mùa hè.
"Cán cân chiến trường đang dịch chuyển dần về phía Nga, dù điều này có thể khiến nhiều người phương Tây thất vọng. Chính phủ Mỹ cần tránh tiếp tục leo thang và phải làm mọi biện pháp để xung đột sớm chấm dứt. Phớt lờ thực tế này có thể khiến Ukraine chịu tổn thất nặng nề hơn và đặt an ninh của chính nước Mỹ vào vòng nguy hiểm", cựu trung tá Davis thừa nhận.
Vũ Anh (Theo 19fortyfive)