Tại hội nghị Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC) chiều 15/12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết GCC là một thị trường tiềm năng với du lịch Việt Nam. Trước dịch, gần 60 triệu lượt khách GCC gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE đi du lịch nước ngoài, nhưng chỉ gần 6.000 lượt đến Việt Nam. Ông Việt đánh giá, đây là con số quá nhỏ nên cần có các phương án, giải pháp để tăng sức hút với đối tượng khách này năm 2023.
Ông Mohammed Ismaeil Al-Dahlwy, Đại sứ Saudi Arabia, cho rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn, tình hình chính trị ổn định. Ông đã đến TP HCM, Đà Lạt và nhận thấy Việt Nam có nhiều cảnh đẹp cũng như thời tiết đa dạng. Đây chính là những lợi thế để hút khách khối GCC. Đại sứ mong Việt Nam có thể quảng bá nhiều hơn nữa các thông tin về ngành du lịch để người dân trong khối có thể tiếp cận dễ dàng. Hiện thông tin về du lịch Việt Nam vẫn còn ít.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch với khách ở thị trường này. "Đây là thị trường mới và khó, nhưng là thị trường hấp dẫn vì khách chi tiêu mạnh. Cần đánh vào đúng gu của họ để hút khách".
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, chỉ ra Việt Nam có các điểm mạnh để hút khách như nhiều đường bay nội địa với khung giờ linh hoạt, hệ thống lớn các khách sạn chuẩn 5 sao trải dọc đất nước. Đây là điểm cộng vì khách GCC là những người có thu nhập cao, chi tiêu mạnh và thích tận hưởng các kỳ nghỉ xa hoa. Việt Nam cũng có những bãi biển dài, đẹp, thích hợp cho việc nghỉ dưỡng với đối tượng là gia đình có trẻ nhỏ khi khách GCC thường đi theo nhóm gia đình.
"Nhưng chúng ta cần phải có cơ chế visa thoáng hơn cho khách đến từ khối này. Hiện mới chỉ UAE và Qatar có thể xin e-visa, các nước còn lại vẫn phải xin visa giấy. Khi làm việc với đối tác, chúng tôi nhận thấy lượng khách ở những quốc gia còn lại tìm kiếm về du lịch Việt cao hơn khách UAE và Qatar 20-25%", bà Hoàng nói.
Ngoài ra, bà Phương Hoàng cho hay để tạo được thiện cảm với khách GCC, Việt Nam cần cho họ thấy chúng ta am hiểu, tôn trọng văn hóa nước bạn. Các quốc gia vùng Vịnh phần lớn theo đạo Hồi, ngày cầu nguyện 5 lần. Việt Nam nên có các phòng riêng phục vụ việc cầu nguyện này trong các khách sạn, sân bay, điểm tham quan. Điều đó sẽ khiến du khách thích thú, quay lại hoặc giới thiệu bạn bè về Việt Nam.
Một trong những gu của khách khối vùng Vịnh chính là ẩm thực truyền thống. Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các nhà hàng halal (nơi nấu các món có nguyên liệu nằm trong danh mục không bị cấm ăn theo đạo Hồi) để phục vụ họ. "Việc mở các nhà hàng halal không chỉ khiến khách GCC hài lòng, mà còn thu hút được lượng lớn khách đến từ Indonesia, Ấn Độ. Đây đa phần là những quốc gia Hồi giáo, đông dân và là thị trường khách lớn", ông Hùng nói.
Việt Nam cũng cần có thêm các hướng dẫn viên, phục vụ nói được tiếng Ảrập. Người Việt nên quen dần với hình ảnh của những vị khách mặc quần áo theo phong cách Hồi giáo, để khi họ xuất hiện, chúng ta "không bỡ ngỡ nhìn chằm chằm". "Điều này cũng phần nào tạo ra được ấn tượng tốt với khách Trung Đông, vì họ cảm thấy Việt Nam thân thiết như ở nhà", Rafic Rida, Chủ tịch Công ty Rida International Travel & Tourism, chia sẻ.
Khách từ khối GCC có đặc điểm đi du lịch theo nhóm đông, gồm bạn bè, gia đình, trẻ nhỏ. Họ cũng thường quyết định đi du lịch rất nhanh, thay vì lên kế hoạch cả tháng hoặc nửa năm như khách Âu - Mỹ. Thời gian lưu trú lâu, từ 7 đến 15 ngày, gấp 2-3 lần số ngày nghỉ trung bình của các khách châu Á khác (4-7 ngày).
Họ cũng được biết đến là những khách chi tiêu hào phóng. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2019, khách từ khối GCC chi tiêu trên 82 tỷ USD khi đi du lịch. Sức chi tiêu của khách khối này chỉ đứng sau Trung Quốc (292,8 tỷ USD), Mỹ (182,3 tỷ USD) và Đức (99,8 tỷ USD).
Phương Anh