Hà Nội phân ba vùng chống dịch từ 6/9 và dự kiến ngày mai (8/9), các cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra giấy đi đường mẫu mới, đồng thời xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng trong khi chưa bao phủ được vaccine diện rộng, việc thành phố áp dụng các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch lây lan là cần thiết.
Tuy nhiên giải pháp đưa ra cần được "cân nhắc đầy đủ" nhiều mặt. Ông Dũng nói, dịch bệnh lây lan chủ yếu trong không gian kín hoặc qua tiếp xúc gần đông người. Vì vậy, mọi giải pháp chống dịch đề ra phải tuân thủ nguyên tắc không để tập trung đông người, nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược. Khi đó mục đích đề ra là chống dịch, nhưng kết quả lại làm cho dịch lây lan.
Ông Dũng phân tích, việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới ở Hà Nội chưa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người; cấp phép qua mạng có thể tránh tình trạng đổ xô đến trụ sở cơ quan công quyền, song vẫn chưa tránh được ùn ứ khi kiểm tra giấy tại các chốt.
"Với biến chủng Delta, nếu chỉ có một hai người trong số đám đông bị nhiễm thì sẽ lây lan cho rất nhiều người khác", ông nói và đề xuất Hà Nội thiết lập các chốt kiểm soát tự động, người dân quét mã QR là có thể qua chốt.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, khi đề ra bất kỳ giải pháp chống dịch nào cũng cần phải tính toán đến chi phí mà người dân, doanh nghiệp, chính quyền phải bỏ ra để thực thi. Các giải pháp gây tốn kém thời gian, tiền bạc của các bên mà hiệu quả không đạt được thì cần loại bỏ ngay.
"Dịch bệnh là vấn đề cấp bách, các chính sách có thể không cần lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, nhưng bắt buộc phải đánh giá tác động. Người làm chính sách tốt là đề ra các giải pháp chống dịch ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nhất", TS Dũng nói và nêu quan điểm "quản trị thành phố lớn như Hà Nội phải rất tinh tế, không thể cứng nhắc".
Ông cũng khuyến nghị, thành phố nên đề ra các giải pháp chống dịch để người dân hiểu và đồng tình thực hiện, thay vì các biện pháp mang tính áp chế. Bởi hơn ai hết, người dân lo cho sức khỏe của mình đầu tiên, đại đa số có ý thức phòng chống dịch. "Các chính sách nên theo nguyên tắc này để đỡ tốn kém và gây phản ứng trong xã hội. Nếu áp dụng các biện pháp cực đoan sẽ không đủ nguồn lực để chống dịch lâu dài", ông Dũng nói.
Về việc bên cạnh các chốt có lực lượng chức năng thường trực, thành phố còn lập khoảng 30 chốt cứng, không cho người và phương tiện qua lại giữa các phân vùng, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bày tỏ không đồng tình.
Theo ông, hiện nay, chỉ những người làm các dịch vụ thiết yếu, có giấy đi đường mới được ra khỏi nhà. Vì vậy, về cơ bản khi người dân ra đường là có việc cần thiết. "Lập chốt cứng sẽ khiến người dân đổ dồn về một vài tuyến đường, khó tránh được nguy cơ ùn tắc, tập trung đông người", PGS Nguyễn Huy Nga phân tích. Thay vì lập chốt cứng trên đường, ông Nga đề xuất thành phố tăng cường kiểm soát tại điểm xuất phát (tổ dân phố) và nơi người dân đến, chẳng hạn như cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... để đảm bảo giãn cách.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận giải pháp trên sẽ làm phát sinh thêm chi phí và thời gian, công sức của người dân, bởi họ phải đi vòng. Trong khi hiện nay, sau gần hai năm dịch bệnh bùng phát, nhiều người dân, doanh nghiệp đều gặp khó khăn.
"Lúc này, cần tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh cho người dân, doanh nghiệp. Nếu tiếp tục đề ra các giải pháp cứng nhắc gây khó khăn cho họ, thì sẽ vừa không chống được dịch, vừa làm đổ vỡ nền kinh tế", TS Dũng khuyến cáo.
Đối với cách Hà Nội chia thành ba vùng để áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế), đánh giá "hợp lý".
Ông phân tích, sau một thời gian áp dụng Chỉ thị 16, ngành y tế thủ đô xét nghiệm tầm soát diện rộng đã xác định được nguy cơ của từng vùng. Việc phân vùng giúp thành phố có giải pháp phù hợp, đáp ứng được tình hình thực tế. Vùng đỏ (nguy cơ cao) vẫn phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vùng nguy cơ thấp được nới lỏng một số hoạt động để người dân sản xuất, kinh doanh.
"Việc chia vùng ở Hà Nội không chỉ dựa vào số lượng ca bệnh mà còn phụ thuộc vào tính chất phức tạp, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh và việc phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế" ông nói.
Tuy nhiên, ông Phu khuyến nghị thành phố cần có giải pháp để đảm bảo người dân từ vùng đỏ sang vùng xanh không làm lây lan dịch bệnh. Người từ vùng xanh đến vùng đỏ, khi quay về không mang theo mềm bệnh để phát tán trong cộng đồng. "Nếu vùng xanh phát sinh một ca bệnh là có nguy cơ thành ổ dịch, trở thành vùng đỏ, nên việc đảm bảo an toàn khi người dân di chuyển giữa các vùng rất quan trọng", PGS Trần Đắc Phu nói.
Trong khi đó, PSG Nguyễn Huy Nga nhìn nhận việc phân vùng của Hà Nội là "quá rộng". Đơn cử, vùng một - vùng đỏ gồm 10 quận, huyện Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tin.
Việc chia vùng như trên sẽ "khó đạt hiệu quả chống dịch như mong muốn". Ông Nga đề xuất, thành phố nên chia các vùng nguy cơ theo yếu tố dịch tễ. "Chẳng hạn, từ các ổ dịch, dựa trên kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng phân chia vùng đỏ là tại tâm dịch; vùng vàng trong vòng bán kính 500 - 1.000 m; vùng xanh là những nơi khác", ông Nga nói.
Từ 6/9, thành phố Hà Nội áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã nhận diện QR), với điểm mới là thay đổi đầu mối cấp giấy cho một số nhóm người dân, doanh nghiệp. Việc này nhằm kiểm soát người đi lại ở 10 quận, huyện vùng đô thị trung tâm. Đây là lần thứ tư trong vòng 45 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.