Khi đại dịch bùng phát, học sinh, sinh viên và thầy cô chuyển sang học và dạy trực tuyến. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, hoặc luân phiên làm việc ở nhà. Ngành y tế đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa. Nhiều cuộc họp, sự kiện được chuyển qua online. Chính phủ, bộ ngành thường xuyên gửi thông báo, khuyến cáo qua điện thoại đến từng người dân.
Những thay đổi rất nhanh này, đến mức nhiều người chưa biết gọi tên thế nào, thật ra rất gần câu chuyện đã được nói đến từ một, hai năm nay: Chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là gì
Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất với các công nghệ số. Quá trình chuyển đổi số thường được nhìn theo ba cấp độ: Số hóa, Xác định mô hình hoạt động và Chuyển đổi.
Số hóa là việc tạo ra phiên bản số của các thực thể (đối tượng, vạn vật), thường là tạo ra dạng số (dữ liệu) của các thực thể từ dạng vật lý của chúng, ví dụ tạo văn bản số trên máy tính của một văn bản trên giấy.
Bản chất của cấp độ số hoá là biến đổi. Các thực thể sau khi số hoá có thể nối với nhau trên Internet, tạo nên không gian số. Kết nối này dẫn đến khả năng các hoạt động của con người đều có thể được điều khiển và tính toán dựa trên phiên bản số của các thực thể.
Như vậy, có thể xem chuyển đổi số là việc chuyển từ cách sống và làm việc xưa nay với các thực thể sang cách sống và làm việc mới với các thực thể và với cả phiên bản số được kết nối của chúng. Số hoá gắn liền với công nghệ số hiện đại, như Internet vạn vật, điện toán đám mây, chuỗi khối...
Xác định mô hình hoạt động số là việc trả lời câu hỏi cách sống và làm việc thay đổi thế nào với công nghệ số và dữ liệu được số hoá. Đối với tổ chức hay doanh nghiệp, đó là việc xác định mô hình hoạt động hoặc mô hình kinh doanh. Bản chất của cấp độ này là sáng tạo, và cốt lõi là việc sử dụng các nguồn dữ liệu được kết nối với các phương pháp trí tuệ nhân tạo.
Hãy hình dung, sau Covid-19, ngành giáo dục sẽ dạy và học với phương pháp truyền thống và online thế nào, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thế nào, chính quyền các cấp sẽ cung cấp cho người dân các dịch vụ công thế nào...
Sau nguy có cơ. Đại dịch cũng là cơ hội cho chuyển đổi số, cơ hội - và cả sự bắt buộc tất yếu - chuyển qua cách làm ăn mới, trong đó tính sáng tạo trong xác định mô hình hoạt động sẽ là yếu tố đột phá.
Chuyển đổi là việc các cá nhân, tổ chức thực hiện thay đổi theo mô hình đã xác định. Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của tổ chức, từ xây dựng năng lực số đến văn hoá số, xây dựng lộ trình và kế hoạch, từng bước thay đổi theo lộ trình...
Chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là một giai đoạn phát triển của xã hội, trong đó các đột phá lớn về khoa học và công nghệ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong sản xuất và xã hội. Giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là bắt đầu từ thập kỷ này khi có nhiều đột phá và cộng hưởng của các công nghệ số.
Nội dung đặt ra trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư rộng hơn chuyển đổi số, nhưng nếu nhìn về các đặc trưng của kỷ nguyên số, có thể nói cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số có chung bản chất. Khi nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không dễ hình dung phải làm gì và làm thế nào, nhưng những điều này rõ ràng hơn trong chuyển đổi số.
Có thể nói, cốt lõi của thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam là thực hiện chuyển đổi số, tức chuyển đổi số là nội dung chính và cách phát triển chính trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thời Covid-19: Trong nguy có cơ
Đại dịch bất ngờ đến làm đảo lộn cuộc sống con người. Hầu hết các nền kinh tế bị xáo trộn, đứt gãy và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu rất lớn. Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt nhưng nền kinh tế cũng bị tác động mạnh và sẽ ảnh hưởng hơn rất nhiều nếu khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.
Giãn cách xã hội làm nhịp sống của con người chậm lại. Mọi người nghĩ và lo nhiều hơn cho thực tại và tương lai. Dù Covid-19 làm toàn cầu rúng động, chuyển đổi số vẫn khách quan diễn ra. Các quốc gia đang chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đại dịch, có nhiều việc cần và có thể làm. Bên cạnh việc tập trung phát triển các nền tảng giám sát, truy vết lây nhiễm hay nền tảng giao dịch cho các hoạt động trực tuyến, cần tiến hành phân tích dịch tễ học dựa trên dữ liệu thu thập hàng ngày để có cơ sở ra các quyết định về thời gian giãn cách xã hội, về cân bằng giữa phòng chống dịch với sản xuất ở các ngành nghề hay địa phương.
Từ trong Covid-19, các công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến có thể đóng góp vào việc xây dựng các mô hình, thu thập dữ liệu trong và ngoài nước để tính toán và đưa nhiều kịch bản định lượng khác nhau khi tái khởi động nền kinh tế ngay sau giai đoạn dịch bệnh.
Covid-19 được coi là cú hích để đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam. Mọi lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế, kinh tế, an ninh quốc phòng... đều cần nắm cơ hội để chuyển đổi số.
Ví dụ, trong nông nghiệp, cần hướng đến đánh giá chính xác hơn về cung - cầu của sản phẩm, hỗ trợ kiểm soát sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như chuyển nhanh sang nông nghiệp tuần hoàn với các công nghệ số thích hợp.
Trong logistics, cần xây được hệ thống số quản lý tổng thể trên cả nước về các luồng hàng hóa từ nơi xuất phát, nơi qua, nơi đến; phương tiện và phương thức; thời gian và chi phí... vốn không làm được trong chế độ thủ công hay bán tự động.
Về môi trường, cần xây dựng các phiên bản số về trạng thái ô nhiễm và ảnh hưởng xấu lên môi trường để chọn giải pháp xử lý phù hợp trên nguyên tắc tương tác đa chiều, như xét rác thải cùng ngập nước, ô nhiễm không khí và nguồn gốc phát thải.
Đối với chuyển đổi số ở Việt Nam, nếu như trước Covid-19 điều phải quan tâm đầu tiên là nhận thức, thì lúc này điều quan tâm nhất là sẽ thực hiện chuyển đổi số như thế nào.
Giáo sư Hồ Tú Bảo