Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong môi trường hợp tác, cạnh tranh quốc tế, Việt Nam phải có khát vọng, đi kèm ý chí và đổi mới sáng tạo, đột phá ra khỏi những tư duy, suy nghĩ, ràng buộc do thói quen hay những khó khăn trước đây. "Chúng ta thường nói phải đi thẳng vào hiện đại như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, Blockchain. Nhưng với tâm thế như vậy, tư duy quan trọng nhất là phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ từ trước đến nay để vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông khẳng định chuyển đổi số ((digital transformation) là cơ hội lớn, nhưng cơ hội với Việt Nam cũng là cơ hội với các quốc gia, dân tộc khác. Trong cuộc đua tranh ấy, nếu không tận dụng tốt thì sẽ trở thành thách thức. Việt Nam đi sau các nước nên muốn bằng hay vượt lên sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đây cũng không phải lần đầu công nghệ thông tin mang đến cơ hội cho Việt Nam. Từ những năm 1990, Việt Nam đã nhắc đến kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin, về chuyển đổi số, kinh tế tri thức, chính phủ điện tử...
"Suy cho cùng, ứng dụng CNTT tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức, mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân. Nhìn lại, chúng ta đã tận dụng được phần nào cơ hội đó và đạt thành công, nhưng cũng có nhiều cơ hội đã bị bỏ qua, nhiều đề án, mục tiêu chưa hoàn thành. Phải làm sao cơ hội từ chuyển đổi số được tận dụng một cách tốt nhất", Phó Thủ tướng trăn trở.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội.
"Cơ hội đang đến. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh. "Năm nay, Vietnam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh năm yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo".
Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số là dựa trên các platform (nền tảng). Theo Bộ trưởng, "chuyển đổi số khó nhất là toàn dân và toàn xã hội. Nhưng chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh của nó khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số. Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng, cấp số nhân mà là hàm số mũ. Một nền tảng platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng nghìn doanh nghiệp".
"Chúng ta có hàng nghìn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan phải đầu tư nền tảng số sẽ rất tốn kém, nhiều nơi không có đủ nguồn lực cả về tài chính và nhân lực để đầu tư. Nhưng nếu có một platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng nghìn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh", Bộ trưởng nói. "Các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit), do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức, năm nay có chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường". Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cho rằng: "Để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một 'Điểm Đột phá' để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số".