Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với 352 tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Tuy nhiên, dù đã tìm hiểu, đa số doanh nghiệp vẫn chưa biết cần làm gì, nên bắt đầu từ đâu, thậm chí chưa hiểu tin học hóa khác với chuyển đổi số ra sao.
"Có nhiều câu chuyện thành công, nhưng thực tế hơn 80% doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số thất bại. Mọi người vẫn nghĩ chuyển đổi số là chuyển mọi thứ qua số, tốn tiền đầu tư nhưng không hiểu và không kiếm tiền được từ chuyển đổi số", ông Vũ Minh Trí, Giám đốc VNG Cloud, chia sẻ tại sự kiện Tech Day 2019 tại TP HCM.
Theo ông, không có ngoại lệ trong chuyển đổi số vì gần như mọi ngành kinh doanh truyền thống đều sẽ chịu tác động của chuyển đổi số, nếu không thay đổi sẽ rất khó tồn tại và cạnh tranh.
Trong khi đó, tại sự kiện Internet Day diễn ra tuần trước ở Hà Nội, ông Nguyễn Hòa Bình, đại diện công ty NextTech, cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn có cách nhìn đơn giản, không biết làm gì để chuyển đổi số, hoặc lo ngại vấn đề bảo mật. "Tôi vẫn dọa các doanh nghiệp truyền thống là chuyển đổi số hay là chết. Hơn 20 loại hình doanh nghiệp, ngành nghề có thể bị chuyển đổi số tiêu diệt từ vận tải, y tế cho tới bán lẻ. Dùng gì cũng không an toàn, nhưng không dùng, không chuyển đổi số sẽ không thể tồn tại", ông Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann, đánh giá, con người không ý thức được tại sao phải chuyển đổi số và ngại thay đổi thì sẽ khó thành công. Nếu bỏ qua, khoảng cách Việt Nam với các nước phát triển sẽ càng xa.
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.