Tổng thống Roosevelt, giữ chức năm 1901-1909, là người đam mê săn bắn. Trong nhiệm kỳ, ông thường tổ chức những kỳ nghỉ kết hợp săn gấu trên núi. Tuy nhiên, có một chuyến đi săn đã không mang về cho ông chiến lợi phẩm nào. Thay vào đó, nó đưa tên tuổi ông vào lịch sử như nguồn cảm hứng cho món đồ chơi yêu thích của trẻ em.
Năm 1902, sau một năm điều hành đất nước đặc biệt khó khăn với nỗ lực hòa giải giữa các công ty khai thác than và những công nhân đình công, Tổng thống Roosevelt quyết định rằng ông cần nghỉ ngơi. Đáp lại nguyện vọng của lãnh đạo Nhà Trắng, Thống đốc bang Mississippi Andrew Longino mời ông đi săn gấu ở miền nam.
Tổng thống Roosevelt đến Onward, Mississippi vào tháng 11/1902, cùng nhóm người đánh bẫy, ngựa, chó săn và các nhà báo. Mọi người háo hức muốn xem thợ săn nổi tiếng hành động. Hold Collier, một nô lệ được trả tự do am hiểu địa hình khu vực, nhận trách nhiệm hướng dẫn viên cho chuyến thám hiểm kéo dài 10 ngày.
Mặc dù Roosevelt là thợ săn thú dày dạn kinh nghiệm, ông có nhược điểm là rất thiếu kiên nhẫn khi tìm kiếm mục tiêu. "Tôi phải nhìn thấy một con gấu bằng xương bằng thịt ngay trong ngày đầu tiên", ông nói với Collier.
Tuy nhiên, gần hết ngày, nhóm người vẫn chưa phát hiện bất kỳ con gấu nào. Nhằm gây ấn tượng với Tổng thống, Collier đã điều toàn bộ đội chó săn của mình và cuối cùng chúng đánh hơi được một con gấu già.
Dù con gấu chống trả quyết liệt, những con chó săn cuối cùng vẫn bao vây nó thành công. Vì muốn dành cú bắn kết liễu cho Tổng thống, người đang ở khu trại, Collier dùng báng súng đạp vào đầu nó rồi trói con gấu lại, buộc vào nó cây.
Roosevelt mong đợi có thể tự mình săn được con mồi. Nhưng khi đến nơi, ông nhìn thấy một con gấu đầy máu, đang kích động vì bị trói. Những thợ săn đi cùng cổ vũ ông bắn phát súng kết liễu nhưng Tổng thống từ chối, cho rằng việc bắn một con gấu bị trói là phi thể thao. Tuy nhiên, vì con gấu bị thương nặng, Roosevelt yêu cầu giết nó một cách nhân đạo để chấm dứt sự đau đớn.
Các nhà báo tháp tùng ông trong chuyến đi lập tức viết bài kể về lòng trắc ẩn của Tổng thống Roosevelt. Không bao lâu sau, tin tức lan truyền khắp cả nước.
Ngày 16/11/1902, Clifford Berryman, họa sĩ biếm họa từ báo Washington Post, đã lấy sự kiện này làm chủ đề, vẽ bức tranh mô tả cảnh Tổng thống Roosevelt tha cho một chú gấu con dễ thương.
Bức tranh trở nên nổi tiếng đến mức Berryman tiếp tục đưa nhân vật con gấu nhỏ mà ông gọi là "gấu Teddy" vào các bức vẽ khác trong suốt nhiệm kỳ của Roosevelt. Teddy là biệt danh của Tổng thống Roosevelt.
Khi tranh vẽ của Berryman trở nên nổi tiếng, một người đàn ông tên Morris Michtom nảy ra ý tưởng đặc biệt. Ông và vợ, Rose, sở hữu cửa hàng kẹo và đồ chơi thủ công nhỏ ở Brooklyn, New York. Rose làm một con gấu bông nhỏ bằng vải nhung và sau đó trưng bày "gấu Teddy" tại cửa hàng nhà Michtom.
Hàng trăm người đã đề nghị mua con gấu nhồi bông của Rose. Trước khi bán nó, vợ chồng Michtom quyết định xin phép Tổng thống. Họ gửi món đồ chơi cho Roosevelt làm quà tặng cho các cháu của ông, cùng một lá thư xin phép sử dụng cái tên "Teddy" cho con gấu bông.
Tổng thống Roosevelt đồng ý và "gấu Teddy" ra đời từ đây. Nó dần trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ. Nhà Michtom đã phải dành mọi nguồn lực để sản xuất chúng nhằm đáp ứng đơn hàng ngày một nhiều lên. Tổng thống Roosevelt còn sử dụng gấu Teddy làm biểu tượng cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1904.
Những nhà sản xuất đồ chơi trên khắp nước Mỹ sau đó cũng bán các phiên bản khác của gấu Teddy. Một công ty ở New York còn bán gấu bông mang tên Berryman để vinh danh họa sĩ Clifford Berryman.
Gấu Teddy trở nên nổi tiếng toàn cầu khi nhà sản xuất đồ chơi Đức Richard Steiff đổi thương hiệu gấu nhồi bông của công ty ông thành "gấu Teddy" và bán chúng trong các cửa hàng đồ chơi ở Đức vào năm 1903. Trong vòng một năm, những cửa hàng đồ chơi trên khắp châu Âu đã bán sản phẩm từ Steiff.
Nhà lập pháp bang Mississippi Steve Holland năm 2002 trình dự luật đề nghị gấu Teddy được chọn là "món đồ chơi chính thức" của bang và yêu cầu này được thông qua. Holland cho biết ông làm vậy theo đề xuất từ Sarah Doxey-Tate, một giáo viên nghỉ hưu.
Doxey-Tate không chú ý nhiều đến gấu Teddy cho đến năm 1990, khi cháu trai 2 tuổi của bà qua đời vì bệnh bạch cầu. Hàng chục người đã gửi hoa và gấu bông để chia buồn. "Mọi người sử dụng gấu Teddy như một biểu tượng của sự an ủi và yêu thương", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo ATI)