Mỹ - Cuba hôm 17/12 đã công bố những bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó bao gồm Cuba trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross, 65 tuổi, sau 5 năm bị giam giữ và một nhân viên tình báo sau gần 20 năm bị bắt giam. Đổi lại, phía Mỹ trả tự do cho ba nhân viên tình báo Cuba, trong đó có Gerardo Hernandez.
Cuba đang ăn mừng cho sự trở về của ba điệp viên bị Mỹ giam cầm hơn một thập kỷ. Gerardo Hernandez, người đứng đầu nhóm tình báo của Cuba, hạnh phúc hơn cả bởi vợ anh chỉ còn khoảng hai tuần nữa là lâm bồn.
Việc vợ Hernandez, Adriana Perez, mang thai trong thời gian chồng bị giam trong nhà tù liên bang của Mỹ ở California được xem là bí mật kỳ lạ nhất trong cam kết lịch sử giữa Washington và Havana đưa ra hồi tuần trước.
Cố vấn hàng đầu của Mỹ, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ bang Vermont Patrick Leahy, hôm qua cho biết các nhà lập pháp đã giúp sắp xếp thụ tinh nhân tạo cho Perez. Đây được xem là một trong những quyết định kỳ lạ của cuộc đàm phán 18 tháng dẫn tới kết quả Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm đóng băng.
AP dẫn lời Tim Rieser, trợ lý chính sách ngoại giao của thượng nghị sĩ Leahy, cho biết mọi việc bắt đầu từ chuyến thăm Cuba hồi tháng 2/2013 của ông Leahy để gặp cựu chủ tịch Fidel Castro và chủ tịch đương nhiệm Raul Castro. Thượng nghị sĩ Leahy từng nhiều lần tới quốc đảo này kể từ đầu những năm 1990.
Ông Leahy và vợ, bà Marcelle Pomerleau, đã gặp Perez, 44 tuổi. Thời điểm đó, Hernandez vẫn bị giam trong nhà tù liên bang ở Victorville, bang California. Phía Cuba đã nhiều lần phàn nàn rằng Mỹ đã từ chối visa thăm chồng của Perez.
"Perez đã khiếu nại cá nhân với bà Marcelle vì sợ rằng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được làm mẹ", ông Leahy, chủ tịch thường trực thượng viện Mỹ, phát biểu trong một thông cáo. "Với cương vị là bố mẹ và ông bà, vợ chồng tôi đều muốn giúp cô ấy hoàn thành tâm nguyện".
Trở về Mỹ, văn phòng của ông Leahy bắt đầu làm việc cùng giới chức chính phủ. Những chuyến thăm vợ chồng không được phép trong hệ thống nhà tù liên bang, tuy nhiên, giới chức Mỹ đã tạo ra một tiền lệ khi cho phép tù nhân thụ tinh nhân tạo.
Theo Telegraph, khoảng hồi đầu năm nay, nỗ lực đầu tiên của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện nhưng không may bị thất bại. Vài tháng sau, thụ tinh lần hai diễn ra. Quá trình này được thực hiện tại Cộng hòa Panama và mọi chi phí do chính phủ Cuba chi trả, theo trợ lý Rieser.
Kết quả của đàm phán cấp cao
Trong một sự kiện hôm 20/12 ở Havana, Perez rạng rỡ nắm chặt tay Hernandez, trong khi chồng cô vuốt ve bụng bầu của vợ đang lộ rõ dưới chiếc váy hoa màu xanh. Họ xuất hiện cùng các điệp viên khác vừa được trả tự do. Hernandez cho biết việc mang thai của vợ anh là kết quả của những cuộc đàm phán cấp cao.
"Một trong những điều đầu tiên hoàn thành trọn vẹn nhờ quá trình đàm phán là đây. Tôi phải làm điều đó nhờ 'điều khiển từ xa', nhưng mọi thứ đều tốt đẹp", CNN dẫn lời Hernandez chia sẻ và rồi chỉ tay vào bụng vợ. Vợ chồng Hernandez cho biết sẽ đặt tên con gái là Gema.
Hai thành viên tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao tiết lộ trên CNN rằng tinh trùng của Hernandez được lấy ra và gửi về Cuba để thụ tinh nhân tạo cho Perez. Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận câu chuyện của vợ chồng Hernandez nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
"Chúng tôi có thể xác nhận Mỹ đã tạo điều kiện theo yêu cầu của bà Perez là có con với chồng", người phát ngôn Brian Fallon nói.
Josefina Vidal, giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Cuba về các vấn đề Bắc Mỹ, từ chối đưa ra bình luận và cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình Hernandez.
CNN cho rằng việc thụ tinh nhân tạo có thể là thỏa thuận trao đổi từ phía Mỹ để có điều kiện sống trong tù tốt hơn cho Alan Gross, tù binh bị giam ở Cuba và được thả vào tuần trước trong cuộc hoán đổi tù nhân giữa hai nước.
Bình Minh