Nhóm 5 người Cuba
"Nhóm 5 người" gồm các công dân Cuba bị buộc tội thực hiện hành vi gián điệp ở Miami, Mỹ, vào năm 2001. Ba người trong nhóm được trả tự do lần này gồm Gerardo Hernandez, Antonio Guerrero và Ramon Labanino. Hai người còn lại là Rene Gonzalez và Fernando Gonzalez, được phóng thích trước đó.
"Nhóm 5 người" được chính quyền Chủ tịch Fidel Castro điều tới miền nam Florida để thu thập thông tin về những thành phần chống đối chính quyền Havana trong cộng đồng người gốc Cuba ở Mỹ.
Là thành viên thuộc "Mạng lưới Ong bắp cày", "Nhóm 5 người Cuba" chịu trách nhiệm trà trộn vào các tổ chức chống đối, điều tra và gửi tin về Cuba thông qua các phương tiện như "phần mềm mã hóa, công cụ truyền dẫn vô tuyến tần số cao và tin nhắn điện thoại bảo mật", theo AP.
"Mạng lưới Ong bắp cày" bị cáo buộc từng cố gắng xâm nhập vào Bộ chỉ huy miền nam nước Mỹ, cơ quan giám sát hoạt động quân sự của Washington ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean. Các điệp viên của mạng lưới này cũng bí mật trở thành lao động thuộc trạm hải quân Key West. Tại đây, họ bị cáo buộc gửi các báo cáo liên quan tới hoạt động của máy bay Mỹ về Havana.
Các nhân viên tình báo Cuba đã hoạt động tại Mỹ trong nhiều năm và nằm dưới sự giám sát của nhiều cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền Washington. Giới chức Mỹ cho rằng sẽ hữu ích và thuận tiện hơn nếu theo dõi hoạt động của những người này từ xa. Tuy nhiên, sau khi Cuba bắn rơi hai chiếc máy bay chở các công dân Mỹ làm việc cùng nhóm lưu vong "Brothers to the Rescue" năm 1996, FBI bắt giữ "Nhóm 5 người Cuba" tại Miami vào tháng 9/1998. Tháng 6/2001, 5 người này bị kết tội gián điệp.
Phiên xét xử các thành viên thuộc "Nhóm 5 người Cuba" làm bùng nổ nhiều cuộc tranh luận. Cộng đồng lưu vong Cuba ở Miami cho rằng những người này phải bị kết án nặng hơn.
Havana lại tuyên bố nhóm 5 người bị đặt bẫy. Tuy nhiên, trước khi phiên xét xử kết thúc, chính quyền Cuba cuối cùng cũng thừa nhận cả 5 người đều là nhân viên tình báo.
Nhưng Havana vẫn khẳng định nhóm điệp viên được gửi tới Miami không nhằm mục tiêu do thám chính quyền Mỹ mà chủ yếu để điều tra cộng đồng Cuba lưu vong ở đây.
Sau phiên xét xử kéo dài 7 tháng, Hernandez, Guerrero và Labanino bị tuyên án tù chung thân, trong khi Ferndando và Rene Gonzalez lần lượt lĩnh án 19 và 15 năm tù. Hernandez còn bị buộc tội âm mưu giết người, liên quan tới vụ việc Cuba bắn rơi hai máy bay chở công dân Mỹ năm 1996, làm 4 phi công thiệt mạng.
"Kẻ duy nhất chịu trách nhiệm cho những điều đã xảy ra lại được trả tự do, đó như một cái tát vào mặt cha tôi", Alejandre-Triana, con gái của Armando Alejandre, phi công lái một trong hai chiếc máy bay bị bắn rơi năm xưa, cho biết khi nghe tin Hernandez được phóng thích.
"Chúng tôi chỉ đơn giản không thể hiểu tại sao điều này lại có thể xảy ra, đặc biệt là đối với Gerardo Hernandez. Việc anh ta bị bắt giữ là chút công lý nhỏ nhoi mà chúng tôi còn có được", NBC dẫn lời Maggie Alejandre-Khuly, em gái của viên phi công khác nói.
Rene Gonzalez được trao trả tự do vào năm 2011 nhưng chính quyền yêu cầu ông phải chịu sự quản chế tại Mỹ. Năm 2013, một thẩm phán ra quyết định Gonzalez có thể ở lại Cuba nếu đồng ý từ bỏ quyền công dân Mỹ, khi ông này trở về quê hương để tham dự đám tang cha. Trong khi đó, Fernando Gonzalez được phóng thích vào đầu năm nay và lập tức bị trục xuất.
Ở Cuba, "Nhóm 5 người" từ lâu được xem như anh hùng quốc gia. Gương mặt của họ được vẽ trên các bức tường, in trên tem và "thậm chí trẻ em đang cắp sách tới trường cũng có thể kể vanh vách thông tin chi tiết về những vụ việc liên quan đến họ", William Booth, cây bút từ Washington Post năm 2009 viết.
Điệp viên giấu tên
Hôm 17/12, một nhân viên Cục Tình báo Trung ương (CIA) bị bắt giam tại Cuba gần 20 năm cũng được trả về Mỹ cùng Alan Gross, nhà thầu phụ Mỹ ngồi tù ở Cuba 5 năm qua. Washington không công khai danh tính của người này. Nhưng theo ông Chris Simmons, cựu giám đốc một đơn vị phản gián Cuba, làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nhiều khả năng đó là Rolando "Rollie" Sarraff Trujillo, khoảng 51 tuổi, bị chính quyền Cuba bắt năm 1995 và kết án 25 năm tù vì hành vi gián điệp.
Sarraff được cho là một chuyên viên mật mã, làm việc tại Cục Tình báo Cuba, chịu trách nhiệm xử lý các đoạn thông tin được mã hóa mà các gián điệp Cuba ở nước ngoài gửi về Havana. "Những người làm việc giải mã này nắm giữ chìa khóa vào đất nước bởi họ biết rõ những sai sót trong hệ thống của bạn", AP dẫn lời Simmons nói. Sarraff cũng từng giúp chính phủ Mỹ xâm nhập "Mạng lưới Ong bắp cày".
Theo NBC News, điệp viên CIA này đã lấy cắp những thông tin bí mật ở Bộ Nội vụ Cuba và chuyển về cho các đồng nghiệp Mỹ.
Rolando Sarraff, cha của Rolando "Rollie" Sarraff Trujillo, là một trung tá về hưu thuộc lực lượng vũ trang Cuba, đồng thời là cựu nhà báo làm việc cho hãng thông tấn nhà nước Prensa Latina. Ông và vợ, bà Odesa Trujillo, không biết gì nhiều về các hoạt động của con trai.
Khi không thấy Sarraff gọi điện về nhà, ông bà đã đến nhà tù để xem liệu con trai mình có gặp vấn đề gì về sức khỏe không. Nhân viên ở đây nói với họ rằng đừng nên lo lắng và cho biết tình trạng của ông ấy chỉ có thể tốt hơn mà thôi.
Ông bà Sarraff sống ở khu Playa, gần Havana và hàng tuần thường tới thăm con trong nhà tù. Sarraff bị giam tại Villa Marista, nơi có mức độ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, nằm bên rìa thủ đô Havana. Sarraff thường gọi về cho gia đình vào buổi chiều, nhưng từ hôm 16/12 đến nay, cha mẹ ông chưa nhận được cuộc điện thoại nào.
"Ngoài kia người ta đang nhắc tới tên nó", AP dẫn lời mẹ của Sarraff hôm qua nói tại ngôi nhà của họ ở Havana. "Tôi không quan tâm nó ở đâu, chỉ cần biết nó có khỏe hay không mà thôi".
"Chúng tôi đi tới mọi nơi nhưng họ đều nói không có thông tin gì", cha của Sarraff cho hay.
Alan Gross
Cuba đã quyết định trao trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross hôm 17/12. Ông này bị bắt vào tháng 12/2009 trong khi đang làm việc tại Cuba với tư cách một nhà thầu phụ. Gross bị kết án 15 năm tù vì nhập khẩu công nghệ cấm và cố gắng thiết lập dịch vụ Internet bí mật cho người Do Thái Cuba.
Gross là người ủng hộ Do Thái và là một nhà tư vấn phát triển nghề nghiệp. Ông đi khắp nơi trên thế giới, thực hiện các hợp đồng tư nhân trước khi bị bắt ở Cuba. Gross chỉ đến Cuba một lần trước đây và không thông thạo tiếng Tây Ban Nha.
Gross làm việc cho Công ty Phát triển Phương án thay thế (DAI), có trụ sở tại Maryland, Mỹ. Công ty này đã ký kết một bản thỏa thuận trị giá 6 triệu USD với Cơ quan Viện trợ Quốc tế Mỹ (USAID) trong một đề án nhằm thúc đẩy dân chủ và hỗ trợ những người có bất đồng quan điểm chính trị. Gross ký hai hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông với DAI trong hơn 20 tháng với mức thù lao 590.000 USD.
Trong 5 chuyến bay tới Cuba năm 2009, Gross nhập các thiết bị kết nối vệ tinh và các công nghệ tiên tiến khác đồng thời giúp cài đặt chúng tại các trung tâm của người Do Thái ở Havana, Santiago và Camaguey. Ông bị bắt tại phòng khách sạn vào ngày 3/12/2009, ngay trước khi về nước.
Gross kiện DAI và chính quyền Mỹ, đòi bồi thường 60 triệu USD vì cho rằng ông không nhận được thông tin đầy đủ về những mối nguy hiểm và tình trạng bất hợp pháp của nhiệm vụ được giao. Sau đó, Gross đã dàn xếp vụ việc với DAI bằng một khoản tiền chưa được tiết lộ.
Trong thời gian ngồi tù, Gross thay đổi từ một người làm kỹ thuật thông thường thành người phê bình gay gắt chính quyền Mỹ và Cuba. Tinh thần Gross suy sụp khi mẹ ông qua đời vì bệnh ung thư hồi tháng 6. Ngay sau đó, ông từ chối tiếp xúc với các bác sĩ, vợ và cơ quan phúc lợi Mỹ.
Theo ABC News, việc phóng thích Gross là kết quả của một quá trình "đối thoại bí mật giữa các cơ quan cấp cao nhất của chính quyền hai nước", kéo dài hơn một năm. Quan trong hơn, vụ việc xảy ra cùng thời điểm với một bản thỏa thuận khác, theo đó Mỹ trao trả tự do cho ba công dân trong "Nhóm 5 người Cuba" còn Cuba trả tự do cho một gián điệp Mỹ.
Vũ Hoàng