Tại Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An), lãnh đạo đơn vị và đại diện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã thực hiện thủ tục bàn giao trước sự chứng kiến của kiểm lâm và đơn vị liên quan.
Một ngày trước, đàn hổ đã được dụ vào 7 lồng sắt, khóa cửa. Quá trình này chỉ mất hơn 10 phút, các con vật không quậy phá.

Một trong 7 con hổ lúc được nhử vào lồng sắt. Ảnh: Hải Bình
Ông Võ Công Anh Tuấn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Pù Mát), cho biết gần nửa tháng nay cán bộ kỹ thuật đã dùng mồi thử để hổ vào các lồng làm quen. Việc không sử dụng thuốc mê khi bắt và vận chuyển sẽ đảm bảo sức khỏe, an toàn cho con vật.
Về kế hoạch vận chuyển, đại diện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho hay cơ quan chức năng lấy mẫu ADN của từng con hổ trước khi chuyển lên xe. Sau đó các lồng đựng hổ được xếp dọc trên thùng xe tải, khoảng cách giữa các lồng tối thiểu 20 cm và được ngăn bìa carton.
Các lồng được giằng dây cố định, phủ bạt và bố trí điểm lấy gió thông thoáng trong quá trình xe chạy. Quãng đường di chuyển khoảng 300 km, xe sẽ dừng 2 lần để kiểm tra. Khoảng 10h hôm nay, xe bắt đầu chạy, dự kiến tối cùng ngày sẽ tới Phong Nha.
Hổ sau khi được nhử vào lồng sắt. Video: Phương Linh
Đến 17h30 chiều 22/3, 7 con hổ đã được chuyển đến Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình). Khu vực nhốt hổ nằm ở giữa rừng nguyên sinh, ít người qua lại. Các chuồng được thiết kế liền kề nhau. Sau khoảng 30 phút để hổ nghỉ ngơi, các chuyên gia mới vận chuyển hổ vào chuồng.
Ông Đinh Huy Trí, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho hay đơn vị đã xây dựng phương án chi tiết về kỹ thuật, thú ý, chuồng trại, con người, tài chính và đảm bảo phúc lợi tự nhiên của động vật hoang dã để nuôi dưỡng hổ. "Chúng tôi rất tự tin, có đội ngũ cán bộ chuyên cứu hộ động vật hoang dã với hơn 20 năm kinh nghiệm, từ đó có cơ sở nuôi dưỡng đàn hổ", ông Trí nói.
Vườn cũng tranh thủ kinh nghiệm, chia sẻ bài học, kiến thức từ các trung tâm cứu hộ ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ để nuôi dưỡng đàn hổ. Tiền thức ăn của mỗi con khoảng 600.000 đồng/ngày, được huy động từ nhà nước, thu dịch vụ môi trường rừng, xã hội hóa và dự kiến thành lập quỹ bảo tồn di sản, trong đó một phần trích để nuôi hổ. Về lâu dài, Vườn sẽ nghiên cứu, mở du lịch sinh thái và giáo dục môi trường để bổ sung nguồn kinh phí.

7 con hổ được vận chuyển an toàn về Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), cho rằng việc chuyển 7 con hổ tới Phong Nha - Kẻ Bàng là phù hợp. Chúng sẽ được thả về môi trường bán hoang dã, từ đó thu hút khách du lịch, góp phần phục vụ du lịch sinh thái, thúc đẩy nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã.
7 con hổ mới sinh được Công an Nghệ An phát hiện hôm 1/8/2021, tổng trọng lượng hơn 35 kg. Xác định đây là động vật thuộc loại nguy cấp, quý hiếm nên công an bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát nuôi dưỡng. Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình) sau đó muốn tiếp nhận đàn hổ và đã được tỉnh Quảng Bình đồng ý.
Gần 8 tháng chăm sóc, hôm nay mỗi con nặng khoảng 60 kg. Chi phí chăm sóc 7 con hổ tốn khỏang 100 triệu đồng/tháng (gồm chi phí thức ăn, nhân lực, thú y) do các nhà hảo tâm tài trợ, thông qua SVW.
Gần nửa tháng trước, Nghệ An cũng bàn giao 8 con hổ là tang vật trong một vụ án khác cho Vườn thú Hà Nội.
Nguyễn Hải - Hoàng Táo