8h hàng ngày, anh Đặng Thanh Tuấn, nhân viên chăm sóc động vật hoang dã cùng đồng nghiệp thái hơn 10 kg thịt bò làm bữa ăn cho 7 con hổ (hiện mỗi con nặng 30-34 kg) - tang vật vụ án buôn bán động vật hoang dã mà vườn quốc gia Pù Mát tiếp nhận từ công an.
![Anh Tuấn cân các suất thịt bò vừa thái xong để chuẩn bị bỏ vào chuồng cho hổ ăn. Ảnh: Nguyễn Hải](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/01/ho-2-4424-1641035029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V0pSmuqcVJJ-hfSpIvQJ_Q)
Anh Tuấn cân các suất thịt bò vừa thái xong, chuẩn bị bỏ vào chuồng cho hổ ăn. Ảnh: Nguyễn Hải
Thịt bò sau khi thái xong được chia thành 7 suất tương ứng với cân nặng của hổ, chuyển vào từng chuồng. Nếu hổ nặng 30 kg thì suất ăn tương đương 1,5 kg thịt mỗi lần", anh Tuấn cho biết.
Mỗi ngày chúng được ăn hai lần vào bữa sáng và chiều. Khẩu phần có thể thay đổi bằng thịt gà hoặc thỏ nhưng sẽ nhiều hơn, do hàm lượng calo không bằng thịt bò. Hơn một giờ sau khi hổ ăn, nhân viên trung tâm cứu hộ sẽ đến dọn vệ sinh chuồng.
Nhân viên trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chăm sóc các con hổ. Ảnh: Nguyễn Hải
Anh Tuấn kể, 5 tháng trước, khi mới được tiếp nhận về trung tâm, các con hổ đều yếu do bị tiêu chảy. Tháng đầu tiên chúng được uống loại sữa nhập khẩu, 6 lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, con vật được sưởi ấm, theo dõi sức khỏe.
Hơn một tháng sau, hổ dần tăng cân. Tiếp đó, nhân viên cứu hộ tập cho chúng làm quen với thịt bò bằng cách lấy nước luộc thịt bò pha với sữa. Khi con vật quen với mùi vị thì chuyển sang cho ăn bò tái, sống.
"Lúc hổ còn bé, có thể bồng bế cho uống sữa nhưng giờ không thể tiếp xúc gần vì con vật lớn và hung dữ hơn", anh Tuấn nói.
![Một con hổ đang ăn thịt bò. Ảnh: Nguyễn Hải](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/01/ho-1-9801-1641035029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mS3QGTgv3TohBVkTxq0fRQ)
Một con hổ đang ăn thịt bò. Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc vườn quốc gia Pù Mát, cho biết việc chăm sóc 7 con hổ sau cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn, trong đó cơ sở vật chất là "vấn đề nan giải". Hiện dãy chuồng được dùng nhốt hổ mỗi gian rộng khoảng 15 m2 bằng tường xây, cửa sắt. Mỗi chuồng nhốt một hoặc hai con hổ ở chung.
"Chuồng nuôi rất chật hẹp, chỉ dành cho hổ bé. Hổ ngày càng lớn thì bản năng và sinh hoạt cũng khác trước, đòi hỏi diện tích chuồng nuôi phải rộng hơn rất nhiều", ông Cường nói.
Do không đáp ứng được yêu cầu về chuồng nuôi, lãnh đạo vườn quốc gia Pù Mát đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An chuyển các con hổ tới các trung tâm cứu hộ khác ngoại tỉnh để phù hợp việc chăm sóc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), tán thành việc chuyển hổ tới các vườn thú đủ khả năng nuôi dưỡng. "Không thể thả về tự nhiên vì hổ là loài có khả năng tấn công con người. Chúng được nuôi ở các vườn thú sẽ góp phần phục vụ mục đích du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã", ông Thái nói.
Kinh phí chăm sóc 7 con hổ trong thời gian qua là hơn 460 triệu đồng (gồm chi phí thức ăn, nhân lực, thú y) do các nhà hảo tâm tài trợ, thông qua SVW.
![Khu chuồng nuôi 7 con hổ tại Pù Mát. Ảnh: Nguyễn Hải](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/01/01/chuong-ho-8512-1641035029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IUKBipii5Y-slFvBv4zVbA)
Khu chuồng nuôi 7 con hổ tại Pù Mát. Ảnh: Nguyễn Hải
Trước đó, ngày 1/8/2021 tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), cảnh sát chặn ôtô chở Trần Trung Hiếu (37 tuổi) và Nguyễn Văn Lai (54 tuổi) trú huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) kiểm tra nghi vấn vận chuyển động vật hoang dã. Trên xe, cảnh sát phát hiện 7 con hổ nặng hơn 35 kg đựng trong các sọt nhựa.
Số hổ này được vận chuyển từ khu vực Hương Sơn (Hà Tĩnh) qua Nghệ An tiêu thụ. Xác định đây là động vật thuộc loại nguy cấp, quý hiếm nên công an bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) để nuôi dưỡng.