Ngày 4/3, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và Vườn thú Hà Nội thực hiện các thủ tục bàn giao. Các cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương của Nghệ An được mời chứng kiến.
Theo nhà chức trách, đàn hổ được gây mê, cho vào lồng sắt, đợi lúc tỉnh lại xe mới lăn bánh. Dự kiến, tối nay 8 con hổ về tới vườn thú, sau quãng đường chừng 250 km.
Ông Lê Sĩ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, cho hay 8 con hổ bị nuôi nhốt trong nhà dân lâu, không đúng về mặt kỹ thuật nên xương khá yếu do ít vận động. Chế độ dinh dưỡng cũng không cân bằng khiến đa phần đều suy dinh dưỡng dù trông rất béo; mắt phản ứng ánh sáng rất nhạy do bị nuôi nhốt dưới hầm.
Do đó, việc chuẩn bị chuồng trại để tiếp nhận đàn hổ cần có sự khác biệt, trong đó phải tách lập hẳn với khu vực quá ồn ào nhằm tránh kích động. 8 con hổ sẽ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. "Việc cho ăn và vệ sinh chuồng trại cũng cần phải hết sức thận trọng để hổ không bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh", ông Dũng nói.
Trước khi tiếp nhận đàn hổ ở Nghệ An, vườn thú Hà Nội đã có 9 con hổ. Đây là lần đầu đơn vị này tiếp nhận hổ nuôi tại một hộ gia đình về để chăm sóc.
8 con hổ nằm trong số 17 con do Công an Nghệ An phát hiện nuôi nhốt trái phép tại hai hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, hôm 4/8/2021. Chúng bị bắn thuốc mê, bỏ vào lồng sắt vận chuyển tới khu sinh thái ở huyện Diễn Châu để chăm sóc. Tuy nhiên, 9 con đã chết.
Ngày 20/10/2021, Vườn thú Hà Nội đề xuất nhận nuôi số hổ trên. Tỉnh Nghệ An đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cho ý kiến và được phản hồi đơn vị này đủ điều kiện tiếp nhận. Chính quyền Nghệ An sau đó xin ý kiến UBND Hà Nội.
Trước khi bàn giao cho Vườn thú, mỗi con hổ nặng 150-200 kg. Bình quân mỗi con hổ hết gần 2 triệu đồng mỗi ngày tiền thức ăn, công chăm sóc, chưa kể chi phí khác.
Liên quan vụ án nêu trên, TAND Nghệ An vừa phạt tuyên Nguyễn Văn Hiền (40 tuổi) - chủ nuôi 14 con hổ nói trên mức phạt 7 năm tù.
Phạm Chiểu - Nguyễn Hải