Chung kết nội dung 100 mét diễn ra chỉ vài giờ sau đợt chạy bán kết, vì thế giữ sự tập trung tối đa là thử thách đầu tiên của mọi VĐV. Tâm lý luôn là vấn đề lớn với tất cả VĐV, chỉ trừ tôi. Tôi có một khả năng là bình thản như không trước mọi cuộc đua quan trọng nhất. Tôi khởi động nhẹ nhẹ để giữ cho những múi cơ ở vào trạng thái sẵn sàng, tôi bước vào vạch xuất phát như đi dạo trong công viên.
Tôi nhìn qua Asafa (Powell), vẫn đang khởi động một cách hào hứng. Nhưng HLV nghĩ là tôi không cần phải làm nóng thêm nữa. Ông ấy yêu cầu tôi chuẩn bị chạy.
"Thật không ạ?", tôi hỏi lại. "Asafa vẫn đang làm rần rần bên kia kìa. Có cần em chạy thêm một chút không?".
"Không, Bolt, người của cậu đã sẵn sàng rồi. Đừng lo gì nữa. Cứ vào vạch thôi," ông ấy nói.
![chuong-10-tu-truyen-cua-usain-bolt-hon-nhien-chay-vao-lich-su](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2015/09/18/1-2019-1442552070.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K57dc9sbv3PbcnjTVG6J0w)
Bolt từ năm 2008 đến nay luôn vượt trội so với phần còn lại của làng điền kinh. Ảnh: AFP.
Chỉ một câu đó thôi, tôi biết cả lịch sử đang chờ mình phía trước. Tôi tin tưởng HLV mình tuyệt đối và khi ông ấy nói tôi đã sẵn sàng thì có nghĩa là tôi không việc gì phải lo nữa. Adrenaline căng phồng lên trong mạch máu, sự hồi hộp kéo đến một chút, nhưng tâm lý tôi thì thoải mái hoàn toàn. Tôi biết chỉ cần mình chạy đúng khả năng, trên đời này chẳng ai có thể đuổi kịp Usain Bolt này.
Vì sự tự tin ấy, tôi không gặp một chút áp lực nào. Trước đợt chạy, tôi vẫn cười đùa giỡn hớt với các VĐV đến từ Caribbea. Tôi bước vào vạch xuất phát như thể một người đang bước vào sàn nhảy, khi biết camera đang lia đến mặt mình, tôi còn... làm duyên. Đấy là sự khác biệt. Tôi có sự tập trung không thể lay chuyển về những gì sắp diễn ra, nhưng không hề để chuyện đó làm cho mình căng cứng.
Từ trên khán đài, các CĐV tỏ ra vô cùng cuồng nhiệt, ánh đèn flash tỏa ra từ tám hướng, âm thanh thật kích động. Trong giây phút ấy, tôi chợt cảm nhận được phần nào cảm xúc của Jay-Z khi bước ra một sân vận động chật kín người hâm mộ. Sân vận động Tổ chim giây phút ấy như một đại nhạc hội và điều ấy càng làm tôi hưng phấn gấp bội. Sự kích động của đám đông là thuốc tăng lực và tôi sẽ uống cạn nó cho đến giọt cuối cùng.
Tất nhiên không phải ai cũng có được sự bình thản như thế. Asafa trông rất căng thẳng, tôi nhìn thấy rõ sự hồi hộp của anh ta qua ánh mắt. Áp lực đang thiêu đốt gã đàn ông mạnh mẽ ấy. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là giúp anh ta vượt qua sự căng thẳng vì trước khi là đối thủ, đó là đồng hương của tôi. Tôi biết không có ai nghĩ được như thế cho một đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với mình chiếc HCV Olympic.
Nhưng tôi thì khác. Tôi rất quý Asafa. Tất cả những gì anh ấy đã làm cho điền kinh với tôi là một món quà. Anh ấy đã tạo ra một quy chuẩn cho các VĐV Jamaica như tôi noi theo. Không có những kỷ lục thế giới của Asafa, chúng tôi đâu dám đặt ra những mục tiêu lớn đến vậy. Trong suốt những năm tháng trưởng thành, tôi đều xem Asafa là mục tiêu, phải chạy nhanh hơn anh ấy. Asafa vừa là người hùng, vừa là mục tiêu, vừa là đối thủ. Không có Asafa, kỷ lục của người chạy 100 mét nhanh nhất lịch sử có lẽ vẫn đang dừng lại ở 9 giây 79.
Tôi cũng hiểu những căng thẳng mà anh ấy đang trải qua, áp lực quốc gia của một người Jamaica. Ở quê nhà anh ấy là người hùng, người ta yêu anh ấy hơn thích tôi. Asafa là chàng trai vàng của cả nước. Họ muốn nhìn thấy anh ấy trở về với một chiếc huy chương. Nhưng tình yêu ấy đang giết chết Asafa, nó khiến anh ấy lo âu.
Tôi đã giết chết những nỗi lo âu ấy tại giải vô địch trẻ thế giới hồi 2002. Tôi đã có nhiều giải quốc tế để trải nghiệm áp lực, đối đầu với áp lực và vượt qua áp lực. Asafa thì khác. Anh ta không được thi đấu nhiều giải trẻ mà đấu chuyên nghiệp luôn từ sớm. Khi không có đối thủ đáng mặt, Asafa rất ổn. Khi có nhiều tay máu mặt, áp lực khiến Asafa căng thẳng.
Tôi cố trấn an người đàn anh: "Hãy cùng chạy thôi, Jamaica bọn mình thầu cái đường đua này. Nhất cũng mình, mà nhì cũng mình. Chiến nhé!".
Asafa bật cười. Chúng tôi đập tay và tôi cảm thấy mình vừa giúp anh ấy gỡ đi một tảng đá. Nhưng khi lướt nhìn gương mặt Asafa lần nữa trên vạch xuất phát, tôi thấy nỗi lo âu ấy trở lại. Tôi biết ngay Asafa không thể giành HC vàng và tôi cũng chẳng thể giúp thêm gì được nữa.
Nghĩ thế, tôi chỉ tập trung vào chính mình.
![chuong-10-tu-truyen-cua-usain-bolt-hon-nhien-chay-vao-lich-su-1](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2015/09/18/2-8643-1442552071.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eZcYxRPHVHsWMs5YykOqaQ)
Bolt chụp ảnh cùng kỷ lục mới do anh xác lập ở cự ly 100m. Ảnh: Reuters.
"Vào chỗ..."
Đám đông đang cuồng nộ bỗng dưng im bặt.
Không gian như đông cứng.
Thở sâu.
Tôi đặt chân vào bàn đạp.
Chúa ơi, hãy cho đợt chạy này diễn ra ngay đi.
"Chuẩn bị"
"Sẵn sàng"
"Bang!"
Tiếng súng hiệu vang lên.
Các bạn biết không. Có rất nhiều luồng suy nghĩ diễn ra trong đầu một VĐV nước rút. Chẳng hạn như tôi cứ nói chuyện với chính mình trước khi đang trên đường chạy. Vừa nghe thì bạn sẽ nghĩ tôi... bị khùng. Bởi vì trong vòng chưa đến 10 giây thì người ta có thể nói được gì với chính mình đây?
Nhưng thực ra tôi nói rất nhiều. Tôi sẽ tự trách mình sao lại khởi động chậm đến như vậy. Đấy luôn là nhược điểm của tôi. Một phần vì kỹ thuật xuất phát của tôi tập mãi cũng chẳng tiến bộ, một phần vì cơ thể của mình quá đồ xộ, thành ra tôi luôn nhổm dậy chậm hơn đối thủ. Sau khi tự trách mình xong, tôi sẽ xem xét xem ai là kẻ chiếm được lợi thế sau khi khởi động, ai là kẻ sau lưng mình chuẩn bị bứt lên mà bứt hoài không nổi. Nghiêm túc đấy, tôi tự nói với mình cả đống chuyện trước khi kịp đạt đến vận tốc tối đa.
Pow!
Tôi lao lên, nhưng Richard Thompson, VĐV người Trinidad & Tobago ở làn kế bên có một màn khởi động tuyệt diệu hiếm thấy trong lịch sử Olympic.
Mẹ kiếp, sao nó giỏi vậy. Nhưng vì anh ta vượt lên nên tầm nhìn của tôi bị hạn chế. Tôi không thể nhìn thấy Asafa ở bên kia đường chạy.
Tôi vừa chạy vừa nhìn Richard suốt quãng đường, sải những bước chân dài quen thuộc. Một, hai rồi ba. Chậc. Tôi giẫm bước thứ tư không được ngon, nhưng rất nhanh chóng tôi lấy lại sự bình tĩnh. Tôi biết sai lầm có thể diễn ra trong 20 mét đầu và tự cho tha thứ mình điều đó. Cũng giống như Stockholm vậy, kỳ ấy tôi cũng khởi đầu rất tởm, nhưng sự bình tĩnh đã giúp tôi khỏa lấp sai lầm.
Bình tĩnh nào, tôi tự nói với bản thân. Thompson đâu có cánh đâu. Gã vẫn ngay trước mày thôi.
Tôi quét mắt nhìn một lần nữa.
Trước tôi chỉ có mỗi Thompson.
Cứ bình tĩnh, còn những 80 mét.
Tôi dần thấy tốc độ của mình tăng lên. Sải chân dài giúp tôi vượt qua Thompson và khi đã nhổm lên khỏi anh ta, tôi đã có thể bao quát đường đua. Mình đang dẫn đầu rồi, nhưng Asafa đâu nhỉ.
Mẹ kiếp, Asafa, anh trốn ở đâu?
Tất cả mọi người đều hiện diện. Tôi quét nhanh và thấy hết. Thompson, Walter Dix (Mỹ), Churandy Martina (Antille thuộc Hà Lan), Michael Frater (Jamaica), Marc Burns (Trinidad & Tobago) và một VĐV người Mỹ khác, Darvis Patton.
Vẫn chẳng thấy Asafa đâu. Vô lý quá chừng. Anh ta phải ở trên đường chạy chứ.
Khi đã vượt qua khoảng 80 mét, tôi liếc nhìn lần nữa. Tôi phải biết bạn mình đang ở đâu chứ.
Anh đâu rồi, Tyson (Gay) không ở đây thì anh phải là đối thủ số một của tôi chứ.
Tôi tự nhiên thấy thất vọng một chút.
Nhưng ơ kìa, kệ xác Asafa chứ. Mình phải vô địch cái đã.
Đúng vậy, phải vô địch. Trong 20 mét cuối, tôi biết mình sẽ vô địch, không thể cưỡng lại. Khi còn tầm 10 mét, tôi vừa chạy vừa giỡn, vung hai tay lên không trung và ăn mừng. Tôi ưỡn ngực ra tự hào. Đường chạy 100 mét, nhưng chỉ 80 mét là xong nhiệm vụ. Ta sẽ là nhà vô địch Olympic, chẳng bõ công lao tập luyện thời gian qua.
Tôi quay lại nhìn đường đua. Asafa chỉ về thứ năm, tội nghiệp. Thompson thì về thứ nhì ngay sau tôi, đang ăn mừng như chính anh ta - chứ không phải tôi - vừa về đích đầu tiên. Sau đó, một phóng viên đến hỏi vì sao ăn mừng dữ vậy, Thompson đã nói: "Tôi về nhất mà. Usain chạy riêng một mình anh ta. Còn tôi đã vô địch đường chạy 100 mét dành cho những VĐV bình thường".
Rồi tôi nghe tiếng HLV gọi mình: "Usain, lại đây. Chụp tấm hình với đồng hồ để kỷ niệm kỷ lục thế giới mới chứ".
Cái quái gì thế?
Tôi chưa từng nghĩ đến việc xem mình chạy mất bao lâu. Suốt cả sự nghiệp trước đó tôi vẫn thế. Chỉ quan tâm về nhất, không quan tâm thời gian. Nhưng kia rồi, cái con số chình ình quyến rũ kia đang hiện diện trên tất cả những màn hình tại sân.
9 giây 69.
Kỷ lục thế giới.
Mẹ cha nhà nó!
Hoài Thương dịch