Trong khi người Anh đang đến các hộp đêm sau một mùa đông dài áp các lệnh hạn chế, hàng triệu người ở Australia và Trung Quốc trở lại với tình trạng phong tỏa. Hệ thống y tế ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia bị quá tải. Các quốc gia như đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương, nơi năm ngoái chỉ báo cáo ít trường hợp, đang chống chọi với các đợt bùng phát lớn.
Đối với một số người, thật khó hiểu tại sao châu Á - Thái Bình Dương lại bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã biến mình thành các quốc gia khép kín, đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài, áp đặt biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh, tích cực xét nghiệm và truy vết để phát hiện bất kỳ trường hợp nào lọt qua hàng phòng thủ. Họ đã sống với những quy tắc khắt khe này để có thể đưa ca nhiễm xuống 0 và giữ cho mọi người được an toàn.
Chính sách đó đã có hiệu quả, cho đến khi biến thể Delta hoành hành. Giờ đây, những đợt bùng phát mới đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược "không ca nhiễm" (áp dụng biện pháp khắt khe để dập dịch triệt để) đã được Trung Quốc và Australia sử dụng, tạo ra một cuộc tranh luận lớn hơn về mức độ bền vững của phương pháp này.
Tại điểm nóng Covid-19 của Australia, bang New South Wales, giới chức cho rằng việc đạt tỷ lệ tiêm chủng 50% có thể đủ để bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của bang - sự thay đổi so với những nỗ lực trước đây nhằm đưa số ca nhiễm xuống 0.
Ở Trung Quốc, nơi giới chức thường nhanh chóng tiến hành xét nghiệm quy mô lớn dù chỉ mới phát hiện một vài ca nhiễm, ngày càng có nhiều chuyên gia y tế công cộng ủng hộ cách tiếp cận "giảm thiểu" thay vì "không ca nhiễm", theo Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Các chuyên gia cho rằng từ bỏ cách tiếp cận "không ca nhiễm" là một trong những điều mà nơi khác như New Zealand và Hong Kong có thể cũng phải thực hiện. Họ không thể đóng cửa mãi mãi với thế giới. Hong Kong đã ghi nhận khoảng 12.000 trường hợp kể từ khi bắt đầu đại dịch còn New Zealand báo cáo 2.880 trường hợp. Hiện cả hai đều không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
"Chiến lược 'không ca nhiễm' rõ ràng đã thành công ở một số nơi trên thế giới trong 18 tháng qua. Nhưng tôi không nghĩ có người muốn duy trì nó mãi", Karen A. Grépin, phó giáo sư tại trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết. "Sự lựa chọn bây giờ là: Khi nào bạn mở cửa và chấp nhận ca tử vong vì Covid-19 sẽ tăng? Đó sẽ không phải là quá trình chuyển đổi hoàn hảo, sẽ có những bộ phận dân cư nhiễm nCoV và tử vong".
Vào thời điểm Covid-19 lây lan mạnh ở châu Âu và Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc và Australia đã áp dụng cách tiếp cận chống dịch triệt để, họ muốn không có ca nCoV lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng gây hệ quả. Các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như New Zealand và đảo quốc Thái Bình Dương đã chứng kiến ngành công nghiệp du lịch bị ảnh hưởng rất lớn. Hàng nghìn người Australia không thể về nước do hạn chế chuyến bay và không gian cách ly. Người Australia không thể ra nước ngoài mà không có thị thực xuất cảnh.
Nhưng nó cũng đem lại lợi ích rất lớn. Trung Quốc và Australia chưa bao giờ chứng kiến những đợt bùng phát thảm khốc như Mỹ và Anh. Cho đến vài tuần trước, cuộc sống phần lớn đã trở lại bình thường, khi mọi người tụ tập tham gia lễ hội âm nhạc và sự kiện thể thao.
"Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung đã có 1,5 năm chống Covid-19 rất thành công", Grépin nói. "Khó có thể nói rằng các chiến lược được áp dụng ở khu vực này không phải là những chiến lược tốt".
Dale Fisher, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết chiến lược của Australia và Trung Quốc tập trung vào đóng cửa biên giới chặt chẽ và nhanh chóng xác định bất kỳ ca nhiễm nào len lỏi vào đất nước bằng xét nghiệm hàng loạt. Nhưng cách tiếp cận đó đã bị thách thức nghiêm trọng bởi Delta, được ước tính có khả năng lây truyền tương tự bệnh thủy đậu, cao hơn 60% - 200% so với chủng ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán.
"Tôi tin rằng Trung Quốc và Australia đã đánh giá quá cao biện pháp biên giới của họ", Fisher nói. "Đó có thể không phải là vấn đề lớn trong trường hợp của Vũ Hán. Nhưng khi xuất hiện biến thể dễ lây lan hơn, bất kỳ lỗ hổng nào cũng bị lộ ra".
Khi Delta đến Australia, nó bộc lộ một lỗ hổng lớn trong chiến lược của đất nước là triển khai vaccine chậm. Khi các quốc gia khác rầm rộ tiêm chủng vào đầu năm nay, lãnh đạo Australia dường như không vội vàng. "Chúng ta ngồi ở ghế trên so với các nước khác, họ phải triển khai vaccine gấp rút vì tình hình khủng hoảng khẩn cấp tại nước họ", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói hồi tháng ba.
Tính đến 8/8, chỉ 17% dân số 25 triệu người Australia tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với 58% của Anh hoặc 50% ở Mỹ, có nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch trong cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của Delta.
"Đó là một sai lầm lớn", Alexandra Martiniuk, giáo sư tại trường y tế công cộng thuộc Đại học Sydney, nhận định. "Vì vậy, chúng tôi đang mắc kẹt ở tình thế này, khi rất ít người được tiêm chủng và một biến thể rất nguy hiểm đang lây lan".
Giới chức Trung Quốc đã kiềm chế hoạt động vận tải nội địa và tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi hơn 300 trường hợp được phát hiện tại hơn 20 thành phố trên khắp đất nước. Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cho biết đây là những chiến lược quen thuộc ở Trung Quốc và chúng có thể sẽ tiếp tục hiệu quả.
"Đối với đợt bùng phát này, tôi nghĩ rằng ca nhiễm sẽ giảm xuống 0, nhưng nó cho thấy rủi ro vẫn tồn tại trong chiến lược 'không ca nhiễm'", Cowling nói. "Đây sẽ không phải là đợt bùng phát cuối cùng, sẽ có nhiều đợt bùng phát hơn trong những tháng tới".
Trong nhiều tháng, chiến lược "không ca nhiễm" đã có hiệu quả. Trong khi các quốc gia khác phải đối mặt với tình trạng hệ thống y tế quá tải và số ca tử vong cao, Trung Quốc và Australia lần lượt báo cáo 4.848 và 939 ca tử vong. Điều đó cho phép họ tiếp tục cuộc sống bình thường bên trong biên giới và nền kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược "không ca nhiễm" không bền vững. Rốt cục tất cả quốc gia đều muốn mở cửa trở lại và khi họ làm vậy, họ có thể cần phải chấp nhận rằng một số người có khả năng nhiễm virus - sự thay đổi khó khăn ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã quen ngăn chặn hoàn toàn virus.
"Trừ khi bạn sẵn sàng để tách mình ra khỏi xã hội mãi mãi, bạn sẽ phải chấp nhận có ca Covid-19 ở nước mình. Vì vậy, vấn đề là khi nào bạn để điều đó xảy ra và sống chung với nó", Fisher nói.
Sự thay đổi đó có thể khó khăn về mặt chính trị. Tại Trung Quốc, các quan chức và truyền thông nhà nước đã ca ngợi thành công của chiến lược "không ca nhiễm" là dấu hiệu cho thấy ưu thế của Trung Quốc, Huang, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. Ông đánh giá chính phủ sẽ cần phải giải thích kỹ với công chúng nếu chuyển từ phương pháp "không ca nhiễm" sang "giảm thiểu ca nhiễm".
"Cách tiếp cận này vẫn được người dân Trung Quốc ủng hộ. Họ chấp nhận nó là cách tiếp cận hiệu quả duy nhất để đối phó với đại dịch", ông nói. "Vì vậy, để chuẩn bị cho chiến lược mới, không chỉ cần thay đổi từ các quan chức chính phủ mà còn cần cả thay đổi tư duy người dân".
Nhưng từ bỏ chiến lược "không ca nhiễm" không phải là điều mà Australia và Trung Quốc nhất thiết phải nghĩ đến ngay bây giờ, Grépin nói. Fisher cho biết khi hơn 80% người dân được tiêm chủng, các quốc gia có thể nới lỏng biên giới.
Trung Quốc triển khai các vaccine nội, bao gồm Sinovac, với mức hiệu quả tránh ca nhiễm nCoV có triệu chứng 50% và phòng bệnh nặng 100%, theo dữ liệu thử nghiệm được đệ trình cho WHO và Sinopharm, hiệu quả ngăn ca có triệu chứng và nhập viện 79%, theo WHO.
Trung Quốc có thể cần tiêm thêm liều tăng cường để tăng khả năng miễn dịch, Grépin nói. Mở cửa biên giới quá sớm đồng nghĩa với việc "những cái chết mà họ đã vất vả tránh được sẽ xảy ra".
Tình hình tại Trung Quốc và Australia nêu bật rủi ro rằng các quốc gia khác có hạn chế biên giới cứng rắn cũng không thể ngăn được Delta hoặc một biến thể khác mãi mãi.
Fisher cho biết các đợt bùng phát Delta có thể xảy ra ở các quốc gia chưa trải qua đợt dịch như vậy, như ở New Zealand. Giống Australia, New Zealand và Hong Kong có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, lần lượt là 16% và 39% dân số tiêm chủng đầy đủ. Nếu Delta xâm nhập, các đợt dịch lớn dễ bùng hơn.
"Khi không ghi nhận ca Covid-19, bạn cũng cần gấp rút thúc đẩy tiêm chủng vì bùng dịch chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi hiểu tác động kinh tế và xã hội khi các nước và vùng lãnh thổ phải đóng cửa và xét nghiệm hàng loạt", Fisher nói.
Ông khuyến nghị duy trì một số hạn chế như đeo khẩu trang trong nhà, ngay cả khi một quốc gia đã phong tỏa biên giới và không ghi nhận ca lây lan trong cộng đồng. "Mọi quốc gia đều nên giả định rằng có ca nhiễm trong biên giới và ít nhất mọi người phải đeo khẩu trang trong nhà, hạn chế tụ tập", ông nói.
Các quốc gia cần tiếp tục học hỏi từ các nước khác cách đối phó với đại dịch, Fisher nói thêm. "Nếu ai đó nghĩ rằng chuyện này đã kết thúc thì họ đã sai. Mọi người đều phải đối mặt với nó và sống chung với nó vào một ngày nào đó. Đại dịch vẫn chưa kết thúc đối với bất kỳ quốc gia nào".
Phương Vũ (Theo CNN)