Trả lời:
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), nếu vợ chồng bạn dự định có em bé ở thời điểm hiện tại hoặc sắp tới thì vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19. Hiện không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine Covid-19, gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản của phụ nữ hoặc nam giới.
CDC không khuyến nghị xét nghiệm mang thai định kỳ trước khi chủng ngừa Covid-19. Nếu bạn đang dự định mang thai, không cần phải tránh thai sau khi chủng ngừa Covid-19. Giống như tất cả các loại vaccine, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về các tác dụng phụ của vaccine Covid-19 và sẽ báo cáo các vấn đề khi được ghi nhận.
Những người đang mang thai có nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng hơn ngày càng gia tăng. CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu thập và xem xét thông tin về việc tiêm chủng Covid-19 trong thời kỳ mang thai. Dữ liệu ban đầu không xác định được bất kỳ mối lo ngại nào về sự an toàn cho phụ nữ mang thai được tiêm chủng hoặc cho trẻ sơ sinh.
Các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng phụ nữ mang thai được tiêm vaccine mRNA (Pfizer, Moderna), chủ yếu trong ba tháng cuối thai kỳ đã truyền kháng thể cho thai nhi. Những kháng thể này có thể giúp bảo vệ trẻ sau khi sinh.
Vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech là vaccine mRNA không chứa virus sống, do đó không thể truyền nhiễm cho người khác. Ngoài ra, vacccine mRNA không tương tác với DNA của một người hoặc gây ra các thay đổi di truyền vì mRNA không đi vào nhân tế bào, nơi lưu giữ DNA của chúng ta.
Hiện không có bằng chứng cho thấy kháng thể được hình thành từ vaccine Covid-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với thai kỳ, điều này bao gồm sự phát triển của nhau thai. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy các vấn đề rắc rối về khả năng sinh sản là tác dụng phụ của bất kỳ loại vaccine nào được FDA chấp thuận. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về các tác dụng phụ vaccine Covid-19 và báo cáo các phát hiện,
Tiêm vaccine Covid-19 trong khi mang thai có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh nặng do Covid-19. Nếu bạn đang mang thai và hiện cân nhắc có nên tiêm phòng hay không, hãy nói chuyện với bác sĩ chăm sóc chính hoặc bệnh viện Sản phụ khoa của bạn trước.
Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trinh
Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM