Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại Hội trường về dự án Luật căn cước công dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Chiều 8/9, thảo luận về dự án Luật căn cước công dân, nhiều đại biểu cho rằng việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi đã bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Việc quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 của Chính phủ đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Với việc cấp thẻ này, trẻ em khi sinh ra vẫn làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng thay cho việc cấp giấy khai sinh sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân, trong đó có ghi số định danh cá nhân. Việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Đình Long, thông tin cần thiết với độ tuổi dưới 15 này chưa có. Việc cấp thẻ căn cước phải kết hợp với 2 yếu tố: tuổi phải đổi, thời hạn sử dụng. Theo ông Long, với việc được cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh ra, trẻ sẽ được sử dụng thẻ tới 14 năm, rồi lại đổi thẻ mới. Trong khi đó có các cháu khác ở độ tuổi 10-14 chỉ được sử dụng một vài năm. “Khoảng 50% dân số trong diện phải đổi thẻ căn cước, như vậy chi phí rất tốn kém”, ông Long nói và cho rằng thẻ căn cước này không thể thay thế giấy khai sinh cho các cháu.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi khi thẻ không ghi tên cha mẹ, mà ghi vào chíp. Tuy nhiên, giao dịch của các cháu thời điểm này luôn gắn tên với bố mẹ.
“Có những văn bản khác vẫn còn yêu cầu giấy khai sinh. Bản thân tôi, con gái mới vào đại học, đã phải nộp hàng chục giấy khai sinh”, ông Sơn nói. Từ đó, ông đưa ra ý kiến, nếu thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước cho trẻ từ khi sinh ra đến 14 tuổi mà không giải quyết được vấn đề như ông nêu thì chi phí rất tốn kém.
Còn đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, từ chứng minh nhân dân xuất hiện từ nhiều năm trước. "Sự trong sáng của tiếng Việt là ở đây, sao phải thay bằng căn cước? Đây không phải từ Hán Việt mà từ Hán chưa được Việt hoá. Tôi hình dung, việc này có giống với thẻ ATM không? Khi tôi có bao nhiêu tiền thì đều biết, trong khi thẻ căn cước thì rất khó. Tôi thấy tính khả thi chưa cao. Giấy khai sinh có tội tình gì mà phải thay bằng căn cước”, ông Minh nói.
Tại buổi thảo luận cũng đề cập đến việc cấp số định danh cá nhân mới sẽ cải cách đơn giản thủ tục hành chính. Số chứng minh nhân dân hiện nay (9 số) được phân cấp quản lý theo địa phương (đơn vị hành chính cấp tỉnh) nơi công dân thường trú từ nhiều năm nay. Khi công dân thay đổi nơi thường trú thì được cấp số chứng minh nhân dân mới...
Việc xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng theo mô hình cấu trúc của số định danh cá nhân là phù hợp với quy mô dân số. Điều này đã được xác định trong chiến lược phát triển dân số quốc gia, được xử lý theo nguyên tắc toán học bảo đảm số định danh cá nhân không bị trùng lặp trong thời gian sử dụng khoảng 500 năm với quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay.
Về số định danh cá nhân, đại biểu Trần Đình Long cho rằng vẫn có những bất cập, nội dung trong thẻ căn cước trùng lắp nhiều. Nêu quan điểm về việc đóng phí với thẻ căn cước, ông Long nói không có lý do gì bắt người dân phải làm việc này. Nhà nước phải có nghĩa vụ cấp cho dân vì người dân đã thực hiện đầy đủ việc nộp thuế.
Việt Dũng