Trả lời:
Ngọng là tật phát âm sai một hay nhiều âm trong hệ thống âm vị của ngôn ngữ nói. Ngọng có thể là ngọng khuyết nếu bỏ qua không phát được một âm nào đó, hoặc là ngọng thế - nếu thay thế phát âm này thành một âm khác.
Ngọng có thể do thói quen phát âm, như ở một số vùng phía Bắc nước ta có cả những cộng đồng không có thói quen phát âm "l" mà thay thế "l" trong mọi ngữ cảnh bằng "n". Ngọng cũng có thể do bệnh tật gây ra; như trẻ bị tật hở hàm ếch do khoang miệng bị thông với khoang mũi nên phát âm không phân biệt được "t", "đ" với "n"... Trẻ mới học nói cũng thường thay thế âm khó như "tr" bằng một âm dễ "t" cùng có một vị trí cấu âm.
Trường hợp của cháu: ngọng thế âm "l" thành "ng" là một trường hợp hãn hữu do âm "l" của tiếng Việt có vị trí cấu âm đầu lưỡi, còn "ng" lại có vị trí cấu âm gốc lưỡi nên rất khó nhầm lẫn để thay thế nhau. Cách giải thích duy nhất trong trường hợp này là cháu đã nhiễm thói quen rụt lưỡi lại mỗi khi phát âm "l". Để khắc phục, có thể thử tiến hành cách luyện tập duy trì đầu lưỡi ở vị trí trước, khi phát âm "l", cụ thể như sau: Ngồi trước gương (để quan sát lưỡi khi cấu âm), trước tiên tập phát "la, le, lo" (a, e, o giúp khẩu hình mở rộng, dễ quan sát). Nếu lưỡi vẫn có quán tính rụt lại khi phát thì bắt buộc phải cố định đầu lưỡi ở giữa răng ngay từ tư thế xuất phát. Cách phát "l" giữa răng (như phát âm o trong tiếng Anh) này tuy tạo ra một âm sắc không bình thường nhưng lại cần thiết cho giai đoạn đầu để khắc phục tật ngọng "l" thành "ng".
GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống