Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang vừa có bài phỏng vấn về việc áp giá điện riêng cho ngành thép và xi măng theo quy định mới, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thứ trưởng cho biết, thép và xi măng đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%), làm tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế. Trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng tiêu thụ điện năng còn cao, gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực.
Do vậy, nếu áp dụng giá bán điện cho hai ngành này cao hơn các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải áp dụng mọi biện pháp để tiết kiệm điện. Ngoài ra, sẽ góp phần đưa việc quản lý các quy hoạch thép và xi măng đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan. "Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới", Thứ trưởng nói.
Lý giải cho việc tại sao trong đợt tăng giá điện thêm 5% từ ngày 1/8 vừa qua không tính với áp giá điện riêng cho lĩnh vực thép và xi măng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay giá điện hiện nay vẫn dựa trên cơ sở cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cũ ban hành năm 2011. Việc áp dụng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ phụ thuộc vào thời điểm ban hành Quyết định mới của Thủ tướng. |
Song, ông khẳng định, hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang xem xét và chưa có quyết định cuối cùng trong việc áp giá điện riêng với ngành thép và xi măng. Thứ trưởng bày tỏ, bất kể một chính sách nào cũng không thể thỏa mãn được mọi đối tượng do mục tiêu, lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau, nhiều khi đối lập. Trong khi đó, chính sách mới nào cũng cần có tính khả thi và nhận được sự đồng thuận của số đông những người chịu tác động.
Trước đó, Bộ Công Thương công bố dự thảo Quyết định Biểu giá bán lẻ điện bình quân, quy định các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng sẽ phải chịu giá điện cao hơn các ngành khác từ 2-16% do đây là hai lĩnh vực có lượng điện tiêu thụ nhiều nhất.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Thép, Xi măng cho rằng đây là quyết định "không công bằng" khi đa số các doanh nghiệp đã chuyển đổi sang các công nghệ tiên tiến, tiêu hao điện ít hơn. Đồng thời, việc tăng giá điện sẽ khiến doanh nghiệp thêm chồng chất khó khăn khi thị trường bất động sản - đầu ra chính của ngành thép và xi măng đang đóng băng, hàng tồn kho lớn... Riêng ngành thép, 7 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ chỉ hơn 1,55 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nếu tăng giá điện thì trái với khuyến khích của Chính phủ, vì đây là ngành đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất. Giai đoạn này ngành thép lại đang rất khó khăn, nếu tăng giá điện sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào mà đầu ra không tăng, thậm chí còn giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép chia sẻ.
Nhưng theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, dù doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ nhưng yếu tố quyết định lại là khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng công nghệ. "Đối với các nhà máy đã đầu tư thì việc tranh luận về công nghệ lạc hậu hay tiên tiến cũng không giải quyết được vấn đề gì nhiều. Quan trọng là với những cái đã có trong tay thì cần phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo ra sao, tổ chức sản xuất lại như thế nào, áp dụng giải pháp gì... để có thể nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào", ông nói.
Việc phát sinh tranh cãi giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp kiến khiến dự thảo Quyết định về Biểu giá bán lẻ điện mới chưa thể có hiệu lực đúng ngày dự kiến, tức từ 1/7/2013. Bộ Công Thương sau đó cũng đã tổ chức nhiều hội thảo để bàn luận về vấn đề trên nhưng tới nay chưa có kết quả cuối cùng.
Huyền Thư