Buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra 4 ngày sau quyết định tăng giá điện thêm 5% công bố tối 31/7 rồi áp dụng ngay 1/8 trên phạm vi cả nước, khiến phần lớn câu hỏi báo chí đặt ra đều xoay quanh chủ đề này.
Sau khi lãnh đạo Bộ ưu tiên trả lời trước các chủ đề khác, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa "xin phép" không trả lời thêm những thắc mắc xung quanh giá điện. Nguyên nhân được Thứ trưởng giải thích là "chủ đề này đã được trả lời rất nhiều".
Quả thực sau khi "nhà đèn" tăng giá, lần lượt lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngay cả Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã xuất hiện trên truyền hình để chia sẻ nguyên nhân. Thông điệp được phát đi nhất quán: Tăng giá là không tránh khỏi và lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu do chi phí đầu vào của ngành điện tăng mạnh từ cuối năm 2012.
Dành hơn một phút để nói về chủ đề này trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát sóng trên VTV1 tối 4/8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn cho biết nhà điều hành luôn có tâm trạng "rất khó tả" mỗi khi phải đặt vấn đề tăng giá điện. Ông cho rằng đây là việc phải làm, đồng thời kêu gọi xã hội chia sẻ với những khó khăn của ngành điện.
Tuy nhiên, đối với hàng loạt câu hỏi được dư luận đặt ra như tính minh bạch của cơ cấu giá điện, sự gấp gáp của quyết định tăng giá hay tác động cụ thể đến sản xuất và tiêu dùng...., hầu hết những giải thích nêu trên vẫn chưa mang lại câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, nhắc nhở ngành điện chỉ một ngày trước khi quyết định tăng giá được đưa ra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam từng đề nghị các cơ quan tiến hành tốt việc tuyên truyền, thậm chí cần lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với cách điều hành như vậy, ngành điện đang tiếp tục thiếu của người dân món nơ công khai, minh bạch và ngày càng khó trả được một cách toàn vẹn và thỏa đáng.
Tại buổi họp báo ngày 5/8 của Bộ Công Thương, vấn đề giá xăng dầu cũng được dư luận quan tâm Theo Vụ phó Vụ thị trường trong nước Nguyễn Xuân Chiến, trong kỳ cuối của tháng 7, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, để giảm được giá trong nước sẽ phải căn cứ vào giá cơ sở bình quân 30 ngày, thuế nhập khẩu và việc trích quỹ bình ổn giá. "Nếu thời gian tới giá thế giới tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp đầu mối tất nhiên phải giảm giá", ông nói.
Đối với việc sửa đổi Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, sau khi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính..., các cơ quan này cho rằng cần phải xây dựng Nghị định mới thay thế vì có tới 23 điều sửa đổi, 2 điều bổ sung. Do vậy, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ và được chấp thuận.
"Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương xây dựng Nghị định mới và trình Chính phủ vào ngày 30/9. Hiện Bộ đã hoàn tất dự thảo lần thứ 5, khả năng đầu tuần tới sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định", vị này cho biết.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng nhập lậu cá tầm, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thông tin, trong 6 tháng đầu năm cơ quan này đã tịch thu và tiêu hủy gần 130 tấn thủy sản nhập lậu. Con số này đã cải thiện lớn so với năm 2012 nhưng vị này cho rằng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng do lực lượng còn mỏng.
Trong khi đó, với việc thương lái nước ngoài thu gom đỉa, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và phổ biến lại để kiểm soát thương lái nước ngoài thu mua nông sản tại Việt Nam.
"Nếu thu mua bất hợp pháp thì các bộ ngành địa phương phải có giải pháp chấm dứt tình trạng đó. Hiện nay, tình trạng thương nhân nước ngoài thu mua nông sản đã dần được quản lý", bà phát biểu.
Huyền Thư - Nhật Minh