Trả lời:
Bệnh phụ khoa đang trở thành bệnh lý đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng. Mỗi năm, số ca mắc bệnh phụ khoa tăng 15-27%. Trong đó, viêm âm đạo là bệnh thường gặp nhất. Tuy nhiên, đa số chị em chỉ đi khám khi đã mắc bệnh nào đó hoặc có triệu chứng không thể chịu được nữa. Số còn lại đi khám phụ khoa là vì chuẩn bị kết hôn.
Đối với nữ giới chưa quan hệ tình dục vẫn nên đi khám phụ khoa. Bởi, trong quá trình dậy thì, trẻ nữ có sự thay đổi nội tiết kèm theo tác động xấu từ môi trường, chế độ sinh hoạt không tốt, không vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ dẫn tới viêm nhiễm phụ khoa và các bệnh lý khác. Do đó, nữ giới cần khám phụ khoa định kỳ giúp chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cải thiện lối sống, chăm sóc cơ thể đúng cách, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến sinh sản.
Đối với trường hợp này, bác sĩ chỉ khám, quan sát bên ngoài cơ quan sinh dục hay tuyến sinh dục phụ để phát hiện bất thường. Khi khám bác sĩ không làm tổn thương màng trinh và những cơ quan khác của bạn.
Đối với phụ nữ đã sinh con, khám phụ khoa định kỳ giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm đường tiết niệu, u xơ tử cung, thậm chí là ung thư tử cung và nhiều các bệnh lý phụ khoa khác.
Còn phụ nữ đang trong giai đoạn sinh sản sẽ được các bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh thai an toàn hiệu quả, đồng thời phát hiện những rối loạn về nội tiết để có hướng điều trị.
Do đó, chị em nên chủ động đi khám phụ khoa ít nhất 6 tháng một lần. Ngoài ra, khám khi có các biểu hiện bất thường như tiết dịch bất thường và mùi khó chịu; cơ quan sinh dục ngứa rát, đau đỏ hoặc có các nốt, vết loét; tiểu đau, buốt. Trường hợp đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục; chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau quan hệ tình dục cũng cần đi khám sớm.
Để kết quả khám chính xác nhất, chị em nên đi khám sau khi sạch kinh hai đến ba ngày, kiêng quan hệ tình dục. Không thụt rửa âm đạo, không đặt thuốc trước khi khám khoảng ba ngày. Vệ sinh vùng kín trước khi khám. Đảm bảo tâm lý sẵn sàng, thoải mái trong quá trình thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh
Phó trưởng khoa Khám, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội