PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ngạt mũi dẫn đến tình trạng khô họng và đau họng trầm trọng hơn. Ngoài ra, đường thở không thông thoáng còn làm giảm chức năng thông khí của đường hô hấp, khả năng trao đổi khí ở phế nang giảm. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng rất khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Tùy từng nguyên nhân, từng trường hợp mà có cách chữa trị khác nhau.
Để giảm tình trạng này, bạn có thể xông hơi mũi bằng nước muối hay một số loại lá có tinh dầu như sả, chanh, bưởi, bạc hà, trầu không... làm loãng chất nhày và làm dịu đường mũi bị kích ứng. Không xông quá hai lần một ngày hoặc xông nóng quá gây tổn thương niêm mạc và nghẹt mũi nhiều hơn.
Uống nhiều nước cũng làm loãng được chất dịch trong hốc mũi, làm cho mũi thông thoáng, giảm ngạt như nước ấm, gừng nóng và trà xanh. Bạn cũng có thể uống nước ép trái cây hoặc nước ép rau củ, riêng người có tiền sử tăng huyết áp nên hạn chế.
Pha dịch nhỏ mũi với công thức một cốc nước ấm, một nửa thìa cà phê muối, lắc đều và nhỏ 3-6 giọt dung dịch vào mỗi lỗ mũi, hít nhẹ. Nằm ngủ kê cao đầu và có thể sử dụng máy tạo ẩm trong phòng ngủ (nếu có điều kiện).
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể như kẽm, các loại vitamin A, C, omega 3... Hoặc ăn một món ăn cay để thông mũi, giảm viêm và giảm nghẹt mũi nếu không mắc bệnh tiêu hóa, dạ dày.
Trường hợp ngạt mũi dài ngày, đã sử dụng các biện pháp trên không đỡ và xuất hiện thêm chảy mũi vàng xanh, chảy dịch mũi lẫn máu, đau nhức vùng mặt xung quanh các xoang, ho đờm tăng dần thì cần đi khám sớm.
"Khám và điều trị đúng lúc giúp bạn tránh được các biến chứng và di chứng do ngạt mũi kéo dài như mệt mỏi, hay buồn ngủ khi phải làm việc kéo dài, không tập trung...", bác sĩ Đào nói.
Bác sĩ khuyên tuyệt đối không tự dùng thuốc, nhất là sử dụng các thuốc co mạch kéo dài vì đây là nguyên nhân gây nghiện thuốc nhỏ mũi, gây xơ cứng cuốn dưới không hồi phục... Trẻ dưới hai tuổi cũng không được sử dụng thuốc nhỏ mũi chống ngạt khi không có chỉ định do một số thuốc có nồng độ không phù hợp gây nguy hiểm. Các loại thuốc chống xung huyết mũi như naftazoline, xylometazoline, adrenaline, ephedrine... chỉ sử dụng dưới 10 ngày do thuốc có thể gây ra các tác dụng như tăng huyết áp, lo lắng, mất ngủ... không nên lạm dụng.
Ngoài ra, bạn nên sử dụng bảo hộ như trang khẩu để tránh bụi bẩn và các loại vi trùng lây nhiễm qua đường hô hấp, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Thùy Anh