Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Cần Thơ về việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ TP HCM đến Cà Mau để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các địa phương trong khu vực.
Theo Bộ này, kết quả nghiên cứu quy hoạch cho thấy đầu tư đường sắt từ TP HCM đến Cần Thơ cấp thiết hơn là từ Cần Thơ đến Cà Mau. Lý do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyến hàng hóa giữa TP HCM và Cần Thơ cao hơn.
Trong khi đó, hệ thống đường bộ tuyến Cần Thơ - Cà Mau đã và đang được đầu tư. Cụ thể, tuyến quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp và một số đoạn tuyến quốc lộ 1A quy mô 4 làn xe đã được cải tạo, nâng cấp. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư tuyến cao tốc 4 làn xe từ Cần Thơ đến Sóc Trăng và Cần Thơ đến Cà Mau trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Mặt khác, do tính đặc thù, việc đầu tư các tuyến đường sắt đòi hỏi nguồn lực lớn, yếu tố kỹ thuật phức tạp, cần thời gian chuẩn bị dài. Nguồn ngân sách hiện nay mới đảm bảo đầu tư tuyến đường sắt từ TP HCM đến Cần Thơ. Do đó, ngành giao thông chưa đầu tư xây dựng tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát cập nhật quy hoạch mạng lưới đường sắt thời gian tới, dự báo tính khả thi và hiệu quả trong việc đầu tư tuyến đường sắt từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn sau năm 2030.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, đi qua 5 tỉnh thành: TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến dài 135 km, giảm hơn 5 km và giảm một ga so với quy hoạch trước đây. Việc giảm do dự án được điều chỉnh chạy dọc hành lang bên phải trục cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Ước tính tổng đầu tư dự án khoảng 10 tỷ USD. Khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông Vận tải.