Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ ngày 24/7 đã làm việc với Viện khoa học và Công nghệ Phương Nam cùng đơn vị tư vấn thiết kế để góp ý hướng tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ.
Theo báo cáo, tuyến đường sắt cao tốc này dài hơn 173 km, với 14 ga và hai trạm khách đi qua các tỉnh thành gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến đường có điểm đầu hàng hóa tại thị xã Dĩ An, Bình Dương. Còn điểm đầu hành khách của tuyến ở huyện Bình Chánh, TP HCM và điểm cuối tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ước tính vốn đầu tư công trình khoảng 10 tỷ USD.
Các chuyên gia đánh giá, công trình khi đưa vào khai thác sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long; đồng thời đáp ứng khai thác vận tải, tổ chức luồng hàng, luồng khách, cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa với khối lượng lớn, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cùng đơn vị liên quan có phương án thiết kế tuyến đường sắt và nhà ga cuối đảm bảo kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường; có hệ thống đường kết nối giao thông bằng đường bộ cho khu vực hai bên tuyến đường sắt đi qua. Ngoài ra, các vị trí giao cắt giữa tuyến đường sắt với các trục đường bộ như quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 91... phải đảm bảo đồng bộ, an toàn giao thông.
"Quy mô, công suất tuyến đường sắt, nhà ga phải đảm bảo khai thác lâu dài. Đồng thời, tuyến phải kết nối với cảng Cái Cui, Trung tâm Logistic trên địa bàn TP Cần Thơ", ông Dũng nói.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, tuyến đường này đã có quy hoạch từ năm 2013. Nhưng trước đây, hướng đi qua các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp nên khó giải phóng mặt bằng. "Theo yêu cầu của Bộ Giao thông, các địa phương nằm trên tuyến đường đi qua cùng bàn bạc, góp ý để cho kết quả tốt nhất chứ chưa có mốc thời gian xây dựng cụ thể", ông Dũng nói.
Trước đó, tháng 3/2018, Viện khoa học và Công nghệ Phương Nam thông tin hướng tuyến đường sắt cao tốc này dài 139 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Ga đầu là Tân Kiên (TP HCM) đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối ở khu vực Cảng Cái Cui (TP Cần Thơ). Dự án sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới.
Hồi năm 2013, tuyến đường này được tính toán vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD với chiều dài 134 km, có 10 nhà ga; khổ đường 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/h cho tàu hàng và trên 200 km/h cho tàu khách.
Cửu Long