Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn ở TP HCM, chia sẻ những giải pháp dạy và học trong bối cảnh Covid-19, 23 tỉnh thành đang giãn cách xã hội.
Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là bắt đầu khai giảng năm học 2021-2022. Vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải tổ chức dạy học online. Riêng TP HCM, phương án dạy học online có thể kéo dài đến hết học kỳ I nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Năm học này, học sinh lớp 2 và 6 học sách giáo khoa Chương trình phổ thông 2018. Tuy nhiên, đến nay học sinh chưa có sách để học, nhà sách đóng cửa, phụ huynh không thể ra ngoài mua sách cho con vì nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Học sinh các khối lớp khác cũng gặp tình trạng thiếu sách, bởi phụ huynh thường đợi đến cận khai giảng mới đi mua.
Ngoài ra, học sinh tiểu học cũng phải học online theo kế hoạch của nhà trường, nhất là các em lớp 1, cũng khiến phụ huynh lo ngại, chưa biết làm thế nào để đồng hành cùng con vượt qua. Thế nhưng, nếu học sinh, phụ huynh, giáo viên biết tận dụng lợi thế của công nghệ thì có thể vượt qua trở ngại, dạy tốt học tốt.
Thứ nhất, ngành giáo dục nên sớm có kế hoạch tinh giản chương trình sao cho gọn nhẹ, trọng tâm, thiết thực. Hiện các bậc học đều có phạm vi kiến thức quá tải hoặc chưa thực sự cần thiết với học sinh. Theo tôi, có thể cắt giảm khoảng 20-30% nội dung chương trình hiện hành để tập trung vào kiến thức cốt lõi. Việc cắt giảm này không hề khó vì năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải chương trình học kỳ 2, bây giờ chỉ cần cắt một phần của học kỳ I.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định các bài dạy trên truyền hình trung ương và địa phương từ hai năm trước (trước mắt là lớp 9, 12), sau đó chuyển cho các tỉnh, thành phát lại. Bộ cũng có thể phát động cuộc thi dạy học e-learning, tuyển chọn những bài giảng tốt, chất lượng cao bổ sung vào kho tài nguyên trên trang web của ngành, giúp học sinh có thêm kênh tài liệu tham khảo.
Thứ ba, nhà trường cần sắp thời khóa biểu học online khác so với học trực tiếp. Bình thường tiết học có 45 phút, một buổi học 4-5 tiết nhưng tiết học online chỉ nên kéo dài 35 phút (tiết đơn), 70 phút (tiết đôi). Với lợi thế của nhiều phần mềm học online hiện có, giáo viên có thể tương tác với học sinh, nhưng các em thì rất khó tập trung vào màn hình máy tính, laptop, điện thoại (đa số) suốt buổi học 4-5 tiết.

Sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Cánh Diều có phiên bản điện tử, phụ huynh có thể tải về cho con học. Ảnh: Sachcanhdieu
Thứ tư, để khắc phục khó khăn về sách giáo khoa, giáo viên có thể lên Internet tải file PDF sách hoặc từng bài học cụ thể. Tôi thấy chương trình hiện hành đều có đầy đủ file PDF trên mạng, trong đó chữ viết, hình vẽ, bảng biểu... đều rất rõ ràng, dễ đọc. Hoặc giáo viên có thể scan bài học từ sách giáo khoa bằng phần mềm điện thoại thông minh rồi gửi cho học sinh; hoặc copy văn bản word (với các môn khoa học xã hội) từ một số trang web hướng dẫn học bài cũng rất tiện.
Thứ năm, học sinh lớp 1 vẫn cần học online nhưng nên chú trọng vào 3 môn chính Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Giáo viên giúp phụ huynh về phương pháp sư phạm, chuyên môn, nghiệp vụ thì mới có thể đồng hành cùng con em. Chẳng hạn tư thế ngồi học, cách cầm bút, cách viết chữ, cách đọc... thì không phải phụ huynh nào cũng nắm được. Hơn nữa, về mặt tâm lý, học sinh thường nghe lời thầy cô hơn cha mẹ (vì sợ). Tôi cho rằng học sinh lớp 1 chỉ cần đọc thông viết thạo, làm một số phép tính đơn giản, biết nghe lời cha mẹ, thầy cô và giữ gìn vệ sinh thật tốt là đạt yêu cầu.
Thứ sáu, giáo viên, phụ huynh cần động viên và dạy học sinh biết cách tự học bên cạnh việc học online ở thời điểm này. Học sinh có thể tham khảo nguồn tài liệu trên mạng từ sự gợi ý, hướng dẫn của giáo viên. Thực tế cho thấy, học sinh nào có ý thức, biết tìm tòi nghiên cứu thì sẽ tiến bộ. Minh chứng rõ nhất là qua các kỳ tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT hàng năm, rất nhiều thủ khoa, á khoa đều không đi học thêm mà biết tự học để thành công.
Dịch bệnh còn phức tạp, chưa biết chừng nào mới kết thúc. Vậy nên những lời than khó về dạy học online như ý thức học sinh chưa cao, cơ sở vật chất còn thiếu thốn... chẳng giải quyết được gì. Tôi nghĩ ngành giáo dục, cha mẹ học sinh, giáo viên cùng đồng hành, cùng nhau vượt khó thì sẽ hóa giải được phần lớn những bất cập đó. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, những gì mà dạy học online chưa khắc phục được thì chúng ta sẽ giải quyết ở thời điểm học sinh đi học trở lại.
Phan Thế Hoài