Thực đơn năm nay có 7 món gồm cháo hầu, nem chua chả lụa, gỏi gà, bánh hỏi heo quay, dê né, lẩu dê và trái cây tráng miệng. Để lên được danh sách này, mấy hôm trước, vợ ông Tâm – bà Nguyễn Thị Sen đã mời nhóm chị em ở khu trọ lên bàn nguyên buổi tối. Người thạo nấu nướng sẽ phụ trách các món chính, số còn lại nhặt rau, phụ bếp, bày biện món ăn.
Cách hôm diễn ra tiệc gần chục ngày, vợ chồng ông đến từng phòng trọ mời, xác nhận người tham dự để lên số lượng. Khu trọ hơn 150 phòng, năm nhiều nhất số bàn tiệc lên đến 40. Năm nay dịch kéo dài, gần 1/3 công nhân hồi hương khi thành phố mở cửa nên số lượng bàn tiệc giảm còn một nửa. Hôm 24/1, bà Sen dậy từ 5h đi chợ mua rau quả. Khi bên dịch vụ đưa đồ đến, nhóm thanh niên phân công nhau sắp xếp. Chưa đầy 30 phút, 20 bàn tiệc được sắp thành dãy dài dọc lối đi chung hai dãy trọ.
"Trừ năm ngoái dịch bùng đúng Tết nên phải hủy tiệc phút cuối, 16 năm qua đến hẹn lại lên nên mọi người đều quen việc, chia nhau làm hết", ông Tâm nói. Đúng 18h buổi liên hoan bắt đầu. Trong khi ông Tâm đi từng bàn cụng ly, bà Sen tới lui gọi ba người con tiếp bia, nước ngọt, lên món mới. Không khí rộn ràng đến nửa đêm khi mọi người bật karaoke thi hát nhạc xuân.
Không chỉ tổ chức ăn uống chia tay năm cũ, vợ chồng ông Tâm còn tặng mỗi phòng một phần quà Tết gồm bánh kẹo, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, cà phê. "Cả tiệc, quà Tết tầm hơn 100 triệu đồng nhưng xứng đáng để chi", người đàn ông 56 tuổi cười lớn dù còn nợ ngân hàng 6 tỷ đồng, vốn là khoản vay để nâng nền, xây mới khu trọ.
Gần 30 năm trước, ông Tâm rời Bình Định vào thành phố lập nghiệp, từng làm công nhân, đi ở trọ nên thấu hiểu vất vả của lao động ngoại tỉnh. Khi xây phòng cho thuê, ông đầu tư bài bản, đảm bảo thông thoáng, tổng diện tích mỗi phòng đến 27 m2. Lối đi chung rộng 3,5 mét để trẻ con có chỗ vui chơi. Giữa năm ngoái, cùng với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc là hai địa phương đầu tiên của thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Thời gian bùng dịch, không chỉ giảm tiền phòng, vợ chồng ông còn mua 200 kg thịt heo, gạo, rau củ tiếp tế cho công nhân.
Ông Tâm nói rằng bữa tiệc không chỉ là lời cảm ơn, vợ chồng ông muốn bù đắp cho những bí bách mà người thuê trọ chịu đựng suốt 4 tháng khi thành phố giãn cách, "phải nhốt mình ở trong phòng".
Chị Nguyễn Thị Mỹ Loan, quê Quảng Ngãi, hơn chục năm dự tiệc tất niên ở xóm trọ cho hay do lo ngại dịch và các quy định cách ly ở địa phương nên năm nay không về quê. Lỡ Tết đoàn viên với gia đình nhưng bù lại buổi liên hoan cuối năm ở xóm trọ phần nào giúp chị được an ủi, có chút không khí năm mới.
Cách nhà ông Tâm gần 20 km, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ nhà trọ 155/25 Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân) cũng dành khoảng 50 triệu đồng để tổ chức Tết cho công nhân. Mấy hôm nay, bà đi gõ cửa từng phòng, hỏi người ở lại để mời tiệc tất niên vào ngày 31/1 (29 tháng Chạp). Buổi liên hoan cuối năm được người phụ nữ U70 này duy trì suốt 20 năm qua, mang đến không khí sum vầy cho người xa quê.
Ngoài tiệc tất niên, gia đình bà còn chuẩn bị 125 phần quà, mỗi phần trị giá 300 nghìn đồng gồm nước mắm, hạt nêm, dầu ăn... để tặng người thuê trọ. Mấy ngày Tết, bà sang các phòng chúc Xuân, mừng tuổi cho trẻ con.
Bà Huệ cho hay năm nay dịch bệnh khó khăn, công nhân ở miền Trung, các tỉnh phía Bắc ở lại nhiều. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thương người thuê trọ mất việc, không có thu nhập bà miễn luôn hai tháng tiền phòng. Không chỉ liên hệ khắp nơi xin lương thực bà còn bỏ tiền túi mua gạo, rau củ tiếp tế cho người lao động suốt thời gian thành phố giãn cách.
Bà Phạm Thị Thanh Thuận, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động quận Bình Tân cho hay ngoài bà Huệ, một số chủ nhà trọ ở quận cũng tổ chức tiệc tất niên, tặng quà công nhân không có điều kiện về quê đón Tết. Công đoàn quận góp 20 bàn tiệc, trị giá 30 triệu đồng cho hai khu trọ có đông lao động ở lại. Vài phòng trọ ghép thành một bàn 10 người, cùng nhau đi chợ, nấu ăn. Vào ngày tất niên, Nhà văn hóa lao động quận sẽ tổ chức thi hát karaoke, tặng quà Tết cho công nhân ở lại, mùng 4 Tết sẽ họp mặt tân niên, lì xì năm mới.
Theo ghi nhận của Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM, có ít nhất 10 chủ nhà trọ với trên 700 phòng tổ chức tất niên cho người lao động. Đơn vị này cũng tham gia các tiết mục văn nghệ, trao quà Tết cho người khó khăn, trẻ em. Trực tiếp tham dự nhiều buổi liên hoan cuối năm với công nhân, ông Nguyễn Xuân Thụ, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, nói với những công nhân xa quê, được cùng nhau nấu nướng, bày biện mâm cỗ sẽ phần nào giúp vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Năm nay, có khoảng một triệu lao động không về quê dịp Tết do mất việc, giảm thu nhập, lo ngại quy định cách ly ở các địa phương. Riêng công nhân ở lại tăng cao hơn 30% so với trước. Một số đơn vị có công nhân không về quê đông như các khu chế xuất, khu công nghiệp hơn 98.000 người, quận Bình Tân hơn 55.000 người, quận 12 hơn 35.000 người... Để hỗ trợ người lao động khó khăn, chính quyền thành phố và các đoàn thể tổ chức nhiều chương trình, với tổng kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng giúp đỡ tất cả người dân dịp Tết.
Lê Tuyết