Quan điểm trên được ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 28/4. Theo ông, P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) trung bình của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khoảng 11 lần, trong khi OCB chưa đến 7.
OCB là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM trong năm nay với giá tham chiếu 22.900 đồng, tương ứng vốn hoá hơn 25.000 tỷ đồng. Thị trường rơi mạnh khiến thị giá OCB cũng "bốc hơi" 20% ngay phiên đầu tiên. Sau ba tháng, cổ phiếu này hiện giao dịch quanh vùng 24.000 đồng.
Theo ông Tuấn, mức này thấp hơn giá trị thực 25%. Ông khẳng định đây không phải quan điểm cá nhân mà là khẳng định của nhiều công ty chứng khoán. Các báo cáo phân tích gần đây đều khuyến nghị mua OCB với giá mục tiêu 30.000 đồng.
"Tôi không chủ trương làm giá cổ phiếu. Chúng tôi chỉ nỗ lực làm việc, còn giá xin nhường lại cho thị trường quyết định", ông Tuấn nói.
Sắp tới ngân hàng này dự kiến chia cổ tức 20-25% bằng cổ phiếu. Đây là phương án phát hành tăng vốn đầu tiên được thực hiện trong năm nay, sau đó đến phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động và 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Ông Tuấn cho biết, một số nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm cổ phiếu OCB nhưng năm ngoái vướng thủ tục niêm yết nên chưa thực hiện. Nếu năm nay suôn sẻ, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng.
OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề xuất. Tổng tài sản tăng 20% lên 183.500 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 25% lên 5.500 tỷ đồng. Hết quý I, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đạt 1.276 tỷ đồng và hoàn thành 25% chỉ tiêu.
Năm ngoái, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 37% lên gần 4.420 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 29% lên 152.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng và huy động vốn lần lượt tăng 24% và 27%.
Phương Đông