Phiên họp thường niên của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) tổ chức sáng nay (23/4), tại tầng 8 trụ sở chính thay vì ở một khách sạn 5 sao. So với mọi năm, quy mô tổ chức có phần khiêm tốn hơn, nhưng không vì thế mà "sức nóng" giảm bớt.
Khi một cổ đông so sánh việc phát triển ngân hàng số giữa TPBank với các ngân hàng khác trên thị trường, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng tự tin nói, TPBank "đang dẫn trước các đối thủ ít nhất một năm".
"Hiện có ngân hàng nào tại Việt Nam khi bạn gọi Call Center mà không cần nói gì cả, họ sẽ tự biết bạn là ai; 24/7 bạn lúc nào cũng có thể làm được thẻ chỉ cần khuôn mặt và vân tay. Có thể mặt này chúng tôi hơn, mặt kia chúng tôi kém, nhưng nếu chấm điểm tổng thể, không ai nói rằng TPBank đứng thứ hai về ngân hàng số", Phó chủ tịch TPBank nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, mỗi năm, ngân hàng này dành ra 400-500 tỷ đồng đầu tư cho công nghệ, chưa kể chi phí vận hành các hạ tầng đã có. Đây là con số lớn nhưng TPBank cho rằng lợi ích mang lại sẽ không kém. Ngân hàng có thể tiết kiệm chi phí vận hành, giảm bớt tuyển dụng và tăng thu nhập hoạt động. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ robot, chatbot, AI cũng giảm bớt rủi ro trong hoạt động, rủi ro đạo đức.
Như việc áp dụng robot, năm ngoái TPBank triển khai 75 robot giúp giảm bớt 180 nhân sự toàn thời gian. Năm nay, dự kiến ngân hàng triển khai thêm 140 robot trong các khâu hoạt động.
Chiến lược số cũng giảm bớt hạn chế về mạng lưới đối với TPBank, một ngân hàng được đánh giá non trẻ. Mỗi năm, chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước chỉ cho mở một lượng chi nhánh nhất định. Nếu phụ thuộc con số này, việc gia tăng lượng khách hàng sẽ là một thách thức khó đạt được với TPBank.
"Số lượng khách hàng hiện tại là 4 triệu và đa phần là cá nhân, so với toàn ngành còn ở mức khiêm tốn. Việc mở rộng đến từ nhiều kênh, việc đi theo ngân hàng số khắc phục được vấn đề về chi nhánh", ông Hưng nói và cho biết những năm tới, chiến lược của TPBank là tiếp tục được đầu tư mạnh cho công nghệ.
Năm nay, TPBank đặt kế hoạch 5.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với thực hiện năm 2020. Tổng tài sản, huy động vốn tăng trên 20%, nợ xấu dự kiến dưới 2%. Trước đó, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ tăng 25%.
Ông Hưng cho biết, việc điều chỉnh mục tiêu tăng căn cứ từ tình hình hoạt động trong quý I. Ba tháng đầu năm, ngân hàng đạt hơn 1.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng tính dụng xấp xỉ 5%. Nếu tính tới nay, tăng trưởng tín dụng TPBank đã đạt gần 7%.
TPBank đề xuất không chia cổ tức trong năm 2020 để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên gần 11.717 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số cổ phiếu phát hành là tối đa 100 triệu cổ phiếu, tương đương 9,33% vốn điều lệ. Số lượng chào bán dưới 100 nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế 3 năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Minh Sơn