Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 23/4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) nhận định, bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) có dư địa tăng trưởng rất lớn. Nguyên nhân là tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn khiêm tốn, trong khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh.
Tham gia bancassurance giúp ngân hàng có thêm doanh thu bán bảo hiểm, bên cạnh việc nhận một khoản phí trả trước (có thể lựa chọn thanh toán một lần hoặc trải đều suốt thời gian hợp tác) từ công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẵn sàng trả mức phí rất lớn để ký với ngân hàng hợp đồng độc quyền phân phối.
Bà Thảo lấy ví dụ khoảng 3-4 năm trước, giá trị hợp đồng bancassurance dao động 100 triệu USD cho 15 năm hợp tác. Khi mô hình này phổ biến, nhiều ngân hàng tham gia, giá trị hợp đồng không giảm mà còn tăng mạnh. Điển hình như FWD đầu năm ngoái chốt thương vụ với Vietcombank khoảng 400 triệu USD, hay ACB cũng có hợp đồng với SunLife khoảng 370 triệu USD.
"Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế đã ngỏ lời hợp tác nhưng vì dịch bệnh nên chưa thương lượng xong. Chúng tôi cũng chưa vội vàng ký bởi cơ hội tăng giá trị hợp đồng trong năm nay hoặc năm tới rất lớn", bà Thảo nói.
Ông Phạm Quốc Thanh – Tổng giám đốc HDBank cho biết, từ quý IV/2020, ngân hàng đã khởi động lại chương trình bán chéo bảo hiểm và bước đầu có nhiều tín hiệu lạc quan. Ngân hàng đặt mục tiêu năm nay thu 1.000 tỷ đồng phí dịch vụ bán bảo hiểm, làm tiền đề cho những năm tới cân đối giữa thu nhập từ tín dụng và dịch vụ.
HDBank mới thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 25% so với năm ngoái, lên trên 7.280 tỷ đồng. Tổng tài sản và huy động vốn dự kiến cùng tăng 25%, lần lượt đạt trên 399.300 tỷ đồng và 359.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 26% lên trên 236.760 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm nay là 12-14% nhưng HDBank thường xây dựng kế hoạch cao hơn. Vài năm trở lại đây, ngân hàng có truyền thống "chạy đua" tăng trưởng tín dụng đầu năm khá nhanh so với toàn ngành nên được ưu thế khi đề xuất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.
Phương Đông