Tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công ngày 26/9, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 Quốc hội phân giao 429.300 tỷ vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao.
Nhưng ông Dũng thừa nhận, vốn giải ngân vẫn đang rất chậm, thấp hơn 2018. Hết tháng 9 số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.
Đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019, nhưng vốn rót ra quá chậm khiến lãnh đạo Chính phủ tỏ ra sốt ruột. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo hậu quả từ việc giải ngân chậm vốn đầu tư công hơn 10 năm qua với nền kinh tế. Theo ông, vốn là yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, nếu giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng trước tiên, trực diện tới tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự án lớn sử dụng nguồn lực này "tắc", kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài và ảnh hưởng huy động vốn xã hội.
Ông cũng cho rằng, vốn dồn ứ sẽ gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Hậu quả cuối cùng được lãnh đạo Chính phủ nêu, là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.
Do đó, Chính phủ quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời.
"Nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được thì để dành nguồn lực đó cho địa phương khác. Những bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải có trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ hết cho khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Nêu nguyên nhân giải ngân, ông nói do vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Ông Dũng cho rằng, một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 2 năm... cần được tháo gỡ.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. "Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét", Bộ trưởng Kế hoạch nêu.
Nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, Thủ tướng đặt câu hỏi: "Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được". Ông yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ liên quan đến vấn đề vốn đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Thủ tướng cũng giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo 1 Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công. Bộ Kế hoạch được yêu cầu báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 tới.
Anh Minh