Tại dự thảo Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.
Dự thảo quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.
Tại cuộc họp về cơ chế DPPA với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 14/5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Khi đó, các bên tham gia sẽ chi trả chi phí vận hành, truyền tải để EVN đảm bảo an toàn lưới điện.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định trong Luật Điện lực - nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai thị trường điện cạnh tranh còn chậm. Một trong những nguyên nhân là hành lang pháp lý chưa đồng bộ, điều kiện tổ chức, mô hình thực hiện còn đặc thù. Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua có vai trò chủ đạo trong bảo đảm cân đối nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các thành phần kinh tế khác cũng rất khó tham gia.
"Quản lý nhà nước phải tách bạch với hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải, phân phối điện", ông Hà nói, thêm rằng Nhà nước chỉ nắm giữ, đầu tư những lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, còn lại các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân.
Ông cũng giao cơ quan quản lý tính lộ trình cụ thể, khả thi cho phát triển điện lực, gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.
Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.
Tại cuộc họp, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Nghị định sớm được ban hành, những chính sách cần kết nối với Quy hoạch điện VIII về phát triển năng lượng tái tạo. Họ kiến nghị bỏ giới hạn tiêu thụ điện với khách hàng mua điện trực tiếp truyền tải bằng đường dây riêng, làm rõ các chi phí mua bán điện trực tiếp truyền tải qua lưới điện quốc gia.
Kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện có thể mở theo hướng không giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch. Các dự án này sẽ chỉ cần tuân theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng.
Còn với mua bán trực tiếp sử dụng lưới quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.
Ông Hà yêu cầu Nghị định về DPPA cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; quyền, trách nhiệm các bên tham gia về lợi ích kinh tế, bảo đảm an toàn lưới điện. Các chính sách cần theo hướng ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, tái tạo để nhận được tín chỉ xanh.
Bộ Công Thương, EVN được yêu cầu tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, khí trong quy hoạch.
"Quy hoạch điện VIII không giới hạn năng lượng tái tạo khi đáp ứng được tiêu chí thay thế cho nguồn năng lượng khác, giá thành phù hợp", ông nói. Bên cạnh đó, Nghị định cần có quy trình công khai về hiện trạng các nguồn điện mà doanh nghiệp đang sử dụng để cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện cung cấp tín chỉ xanh.
Phương Dung