23h, bố con anh Hoàng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội đi chơi về phát hiện vườn bưởi của gia đình có hai kẻ lạ mặt đang hái trộm. Hai bố con vội vào nhà lấy hai khúc gậy gỗ dài một mét và hai chiếc đèn pin. Vừa rọi vào góc vườn, anh Hoàng thấy hai người đàn ông đeo khẩu trang đang lúi húi kéo hai bao tải bưởi chuẩn bị tẩu thoát.
Khi còn cách chừng 10 mét, bố con anh hét lớn với mục đích để tên trộm hoảng sợ bỏ chạy, vứt lại hai bao bưởi. Nhưng ngược lại, chúng giơ con dao bấm lên đe doạ, ép gia chủ lùi lại. Thấy anh Hoàng vẫn hét lớn, chúng tiến thêm vài bước rồi khua dao ngăn cản đến gần.
Anh Hoàng kể với kinh nghiệm học võ lâu năm hoàn toàn có thể "đánh bại", song sợ khi "phản công" có thể sẽ khó kiểm soát được mức độ của hành động và sẽ làm kẻ trộm bị thương tích, thậm chí tử vong.
Sau vài giây suy xét, anh ra hiệu cho con trai 20 tuổi lùi lại, "chấp nhận mất tài sản". Hai tên trộm vội bê bao bưởi đưa lên xe máy bỏ chạy.
Anh nói chưa hiểu rõ về quyền tự vệ của chủ nhà nên "loay hoay" xử trí tình huống. "Nếu phản công khiến kẻ trộm thương tích hoặc tử vong, tôi có thể phải ngồi tù. Nhưng nếu đứng im chịu trận, tôi có thể bị đánh chết", Hoàng nói và thấy may vì hôm đó hai tên trộm không manh động.
Dù về lý, gia chủ có đủ quyền để đuổi đánh nhưng theo anh cách tốt nhất là "bỏ chạy như kẻ trộm", chấp nhận mất tài sản.
Hoàng cùng nhiều người khi được hỏi đều muốn được giải đáp cụ thể về quyền tự vệ của chủ nhà.
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Công ty Luật Hà Trọng Đại và Cộng sự) cho hay, Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở". Khi bị kẻ trộm tấn công trước, chủ nhà có quyền chống trả nhưng "phải ở mức cho phép" mới được coi là phòng vệ chính đáng.
Thông thường, tòa án chỉ chấp nhận hành vi chống trả là phòng vệ chính đáng khi kẻ trộm tấn công trước hoặc chúng có hung khí nguy hiểm đang chuẩn bị tấn công gia chủ.
"Chủ nhà "ngồi im" có thể sẽ bị kẻ đột nhập tấn công nhưng khi chống trả lại đối mặt nguy cơ vướng lao lý", luật sư nói.
Theo bà, khi chủ nhà tấn công kẻ trộm sẽ có ba trường hợp xảy ra.
Thứ nhất là phòng vệ chính đáng. Điều 22 Bộ luật Hình sự quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác mà chống trả lại một cách cần thiết với người đang có hành vi xâm phạm lợi ích nói trên". Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Khi bị tấn công, đe dọa tính mạng, chủ nhà được quyền chống trả. Nếu gia chủ lỡ tay đánh chết có thể được coi là phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, chủ nhà phải chứng minh được mình phòng vệ chứ không có chủ đích tấn công, "ranh giới phân định rất mong manh".
Thứ hai là vượt quá phòng vệ chính đáng. Khoản 2 điều 22 Bộ luật Hình sự quy định, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự, hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc cao nhất 5 năm tù.
Thứ ba là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Dù bị tấn công trước nhưng chủ nhà không kiềm chế được mức độ chống trả khiến kẻ trộm thương tật hoặc tử vong thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thế nào là tự vệ chính đáng?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng chưa có quy định cụ thể nên rất khó để xác định thế nào là phòng vệ chính đáng bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện, hoàn cảnh và cả ý thức thực hiện hành vi. Hơn nữa, việc xác định hành vi còn bao gồm cả đánh giá của người tiến hành tố tụng.
Khi phát hiện bị kẻ gian đột nhập, chủ nhà phải bình tĩnh mới có thể xử trí hợp lý, khôn khéo. Đặc biệt, gia chủ không nên hoảng sợ hoặc tấn công quá mức cần thiết. Nếu kẻ trộm chưa phát hiện, bạn cần giữ yên lặng và tranh thủ ghi nhớ đặc điểm nhận dạng để cung cấp cho cảnh sát.
Trường hợp kẻ trộm manh động, gia chủ thuyết phục hoặc có các hành động khác để chúng phân tán sau đó lợi dụng cơ hội thoát khỏi vòng nguy hiểm. Bạn chỉ nên chống trả và xông tới khống chế khi thấy mình đủ khả năng nhưng "phải trong giới hạn cần thiết".
"Khi lâm vào tình thế tính mạng bị đe dọa, buộc phải chống trả thì hành vi tấn công của chủ nhà không thể bị xem là cấu thành tội phạm, cần được xác định là phòng vệ chính đáng", ông Khánh nói và cho rằng kẻ gian thường liều lĩnh nên người dân cần đặt tính mạng của mình là trên hết, không nên cố giữ tài sản khi không cần thiết.
Đại tá Khánh cho rằng nhiều quy định chưa cụ thể liên quan quyền của chủ nhà khiến nhiều người không biết xử lý. Bởi vậy cần có "hành lang" để ngưởi dân hiểu được quyền làm gì khi phát hiện và khi bị tấn công.
"Thế nào là phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng đang khó khăn khi áp dụng thực tế, do có những nhận thức khác nhau", ông nêu quan điểm.