Theo Thoughtco, nguyên tắc lâu đài ("Castle doctrine") hay còn gọi là luật tự vệ tại nơi ở là nguyên tắc pháp lý bắt nguồn từ truyền thống pháp luật của Thông luật Anh. Theo nguyên tắc này, nhà riêng của một người được ví như "lâu đài" (lãnh thổ bất khả xâm phạm) của người đó nên họ có quyền sử dụng vũ lực hợp lý (kể cả gây chết người) để bảo vệ bản thân khỏi kẻ đột nhập mà không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dù mỗi bang quy định việc này khác nhau song đa số đều đặt ra những yêu cầu cơ bản với người muốn được bào chữa bằng "nguyên tắc lâu đài":
Bị cáo phải ở trong nhà khi bị tấn công: Ngôi nhà phải là nơi sinh hoạt thường xuyên của bị cáo, có thể là nhà cố định hoặc di động. Chủ nhà không được dùng vũ lực gây chết người kể cả khi đứng trên khoảnh sân trước nhà.
Phải có sự đột nhập trái phép vào nhà riêng: Nếu nạn nhân chỉ đi ngang qua sân nhà hoặc đứng đe dọa từ ngoài cửa, chủ nhà không được phép viện dẫn "nguyên tắc lâu đài" để bào chữa cho hành vi gây chết người. Phải có bằng chứng cho thấy nạn nhân đã cố gắng xâm nhập trái phép vào nhà riêng, "nguyên tắc lâu đài" không áp dụng trong trường hợp chủ nhà cho phép nạn nhân vào nhà nhưng sau đó đổi ý và buộc rời đi. Ngoài ra, bị cáo phải không là người gây sự đầu tiên.
Độ hợp lý của hành vi dùng vũ lực: Ở hầu hết các tiểu bang, việc sử dụng vũ lực cần phải phù hợp với hoàn cảnh. Nếu bị đơn không chứng minh được mình thật sự ở trong tình thế nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng khi phạm tội, họ không được dùng "nguyên tắc lâu đài" để bào chữa cho hành vi gây chết người.
Nghĩa vụ thoái lui: Một số tiểu bang quy định chủ nhà cần phải cố gắng lẩn tránh nguy hiểm và xung đột (ví dụ chạy tới các địa điểm cụ thể trong nhà hoặc chạy ra ngoài) trước khi sử dụng vũ lực để phòng vệ, được gọi là "nghĩa vụ thoái lui". Tuy vậy, hầu hết các bang đã bỏ yêu cầu trên, cho phép bị cáo không phải cố gắng chạy trốn trước khi dùng vũ lực nếu ở tại nhà riêng. Đây là yếu tố thường gây tranh cãi nhất và dễ bị hiểu nhầm nhất trong những vụ giết người vì phòng vệ.
Để đảm bảo chủ nhà không tùy ý giết người và thoát tội bằng nguyên tắc lâu đài, pháp luật mọi bang ở Mỹ đều quy định nghĩa vụ chứng minh mình vô tội thuộc về bị cáo, không phải công tố viên. Bị cáo cần phải đưa ra được bằng chứng cho thấy mình đã hành động chính đáng và hợp pháp.
Ví dụ điều 35.15 của bộ luật hình sự bang New York quy định một người không được dùng vũ lực chết người nếu người đó có thể an toàn rút lui tới nơi khác. Nhưng một người không có nghĩa vụ thoái lui nếu đang ở nhà riêng và không là người làm nảy sinh xung đột, hoặc nếu đối phương đang có hành vi bắt cóc, trộm cắp, hiếp dâm, hoặc phóng hỏa...
Điều 198.5 của Bộ luật hình sự bang California cho phép chủ nhà sử dụng vũ lực chết người mà không phải rút lui trong trường hợp kẻ đột nhập khiến họ lo ngại có mối nguy hiểm hoặc cái chết cận kề. Tuy vậy, nếu là vụ trộm đồ đơn giản, không tạo ra cảm giác tính mạng bị đe dọa thì chủ nhà cũng không được dùng vũ lực chết người.
Điều 776.013 của bộ luật hình sự bang Florida mở rộng phạm vi của nguyên tắc lâu đài. Theo đó, khi đang ở nơi mà mình được hợp pháp lui tới (cả trong nhà và ngoài trời, ví dụ nơi công cộng), một người bị tấn công không có nghĩa vụ phải thoái lui mà có thể sử dụng vũ lực (kể cả vũ lực gây chết người) đáp trả kẻ tấn công nếu cần thiết để ngăn chặn đối phương giết người, gây thương tích nghiêm trọng... Quy định như của bang Florida được gọi chung là luật "tử thủ" ("Stand your ground") và cũng xuất hiện ở một số bang khác.
Tại Mỹ từng xảy ra những vụ tự vệ gây chết người dẫn tới nhiều tranh cãi trong dư luận về ranh giới phòng vệ chính đáng. Một số lo lắng rằng người có ý đồ xấu có thể dụ đối phương tấn công và lợi dụng luật lâu đài để thoát tội vì người làm chứng duy nhất có thể đã bị bắn chết.
Byron Smith. |
Điển hình như vụ án tại bang Minnesota vào ngày 22/11/2012. Bực tức vì nhà riêng bị đột nhập nhiều lần, cụ ông 65 tuổi Byron Smith phục kích dưới tầng hầm và bắn nhiều phát giết chết hai thiếu niên trộm cắp. Cụ ông chờ một ngày sau mới báo cảnh sát, khẳng định mình tự vệ theo luật lâu đài của bang Minnesota.
Công tố viên phát hiện Byron Smith đã đậu xe ở nhà hàng xóm, vờ như mình đi vắng để dụ kẻ trộm. Bản thân cụ ông cũng thừa nhận nổ súng nhiều hơn mức cần thiết.
Ngày 29/2/2014, Byron Smith bị kết tội giết người cấp độ I vì có yếu tố lên kế hoạch, chịu án chung thân không ân xá, Cbsnews đưa tin.