Sáng 29/3, đại diện Công ty Mai Phương cho biết đã gửi đơn kháng cáo đến TAND Hà Nội, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm, tuyên trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400 m2 đất Tam Đảo (đang lưu trong hồ sơ vụ án) cho Mai Phương.
Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng mua lô đất này bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC. Tháng 6/2011 ông Thanh đề nghị ông Hồng chuyển nhượng 3.400 m2 đất cho mình với giá 23,8 tỷ đồng và được đồng ý. Tuy nhiên ông Thanh chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, còn lại 3 tỷ hưởng lợi cá nhân.
Để hợp thức hóa, ông Thanh thành lập Công ty Đầu tư Mai Phương và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu kiêm người đại diện theo pháp luật. Đến ngày nhận chuyển nhượng lô đất từ bị cáo Đỗ Văn Hồng, Công ty Mai Phương mới thành lập 2 ngày, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
Năm 2015, ông Giới bán lại Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Trịnh Xuân Thanh). Năm 2016, bà Nga làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm ở Vĩnh Phúc với giá 45 tỷ đồng, trong đó có 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nói trên.
Với những cáo buộc trên, bản án sơ thẩm tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng lô đất 3.400 m2. Để hoàn thiện thủ tục, PVC liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ đó Công ty Mai Phương cho rằng PVC tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Công ty này cho rằng tại toà, PVC cũng không yêu cầu đứng tên chủ sở hữu để sử dụng lô đất này. "Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án này thực hiện theo yêu cầu của người tham gia tố tụng nhưng toà tuyên như vậy là trái với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
Kháng cáo của Mai Phương nêu lô đất này hiện do giám đốc công ty Mai Phương sở hữu và trước đó đã nhận chuyển nhượng bằng tiền cá nhân hợp pháp. Công ty Mai Phương hiện nay không liên quan gì đến sai phạm trước đây của bị cáo Thanh nên không phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Bởi vậy Mai Phương không có nghĩa vụ phải trả lại lô đất cho PVC như phán quyết.
Trong vụ án, ngày 15/3, ông Thanh bị TAND Hà Nội tuyên 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong sai phạm ở dự án ethanol cùng ông Đinh La Thăng.
Bị cáo Hồng lĩnh 4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356.
Liên quan vụ án, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù vì chỉ định thầu trái quy định trong dự án Ethanol Phú Thọ; 9 đồng phạm của ông Thăng bị tuyên từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm 6 tháng tù.
Nhà chức trách hiện chưa thông báo số người kháng cáo, trừ trường hợp công ty ty Mai Phương. Theo quy định, các bị cáo kháng cáo trong thời gian 15 ngày.