Anh Trần Hùng (32 tuổi) cho biết đã đến Trung tâm Y tế quận 6 (TP HCM) để hỏi về vaccine 5 trong 1 cách đây vài ngày, song được nhân viên báo chưa có để tiêm. Nhân viên trung tâm gợi ý gia đình tiêm chủng dịch vụ cho con để không gián đoạn. Anh dự định đợi thêm ít ngày để chờ vaccine. "Biết đâu lúc đó đã có vaccine rồi", Hùng tự nhủ. Tuy nhiên vợ anh không đồng ý mà quyết định cho con đi tiêm dịch vụ để kịp phòng bệnh.
Chị Hoa, vợ anh Hùng cho biết, gia đình nuôi 3 con còn nhỏ nên có nhiều chi phí phải ưu tiên. Tuy nhiên càng túng thì càng phải tính, vì nếu con mắc bệnh, chi phí khám chữa bệnh tốn kém hơn rất nhiều, chưa kể trẻ lây bệnh cho nhau. Ba con cùng ốm bệnh thì sẽ không biết xoay xở ra sao.
Theo chị Hoa chia sẻ, con gái thứ ba mới hai tháng tuổi, có thể trạng yếu, từ lúc sinh ra chỉ mới uống một liều vaccine bại liệt. Vì thế lần này chị quyết định cho con đi chích dịch vụ. "Đàn ông không để ý, chứ phụ nữ chăm con bệnh cực lắm. Đứa đầu mình không cho tiêm đủ vaccine nên bệnh vặt hoài, đứa thứ hai tiêm đủ hơn thấy đỡ bệnh vặt. Vậy nên dù khó khăn mình vẫn quyết tâm cho bé thứ 3 tiêm đầy đủ, phòng bệnh cho con sớm", chị Hoa bày tỏ.
Còn chị Phạm Như Quỳnh (27 tuổi) vừa hoàn thành tiêm chủng cho con gái 3 tháng tuổi tại VNVC. Vừa chơi cùng con để theo dõi sau tiêm, chị cho biết gia đình ở quận Bình Thạnh (TP HCM), từ cuối năm ngoái đã được thông báo nhiều loại vaccine miễn phí cho trẻ đã hết. Ban đầu, gia đình cũng chờ đợi để được tiêm chủng. Tuy nhiên bé ốm sốt nhiều nên bác sĩ tư vấn tiêm ngừa sớm, không chờ đợi thêm để tránh trẻ bị bệnh nặng hơn.
"Bé nhà tôi đã đến lịch tiêm nhưng ở trạm báo vaccine đang khan, con chưa được chủng ngừa tôi lo lắm, vì nhỡ đâu sau này có bệnh gì", chị Quỳnh nói.
Đại diện Trung tâm Y tế quận 6, TP HCM, xác nhận đã hết vaccine DPT và vaccine 5 trong 1. Trong đó, vaccine 5 trong 1 (DPT-VGB-HiB) ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não; còn vaccine DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Nhiều ngày qua, nhân viên trung tâm đã tư vấn phụ huynh chủ động cho con tiêm dịch vụ để không gián đoạn lịch tiêm.
Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 18/5, thành phố hiện đã hết hoàn toàn vaccine 5 trong 1 và vaccine DPT. Các vaccine khác chỉ còn số lượng hạn chế, dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Từ cuối tháng 5 đến tháng 9, thành phố sẽ hết vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT), sởi và rubella (MR).
Theo Sở Y tế, trẻ cần được tiêm vaccine đúng lịch và đủ liều để được bảo vệ tốt nhất trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn, trẻ cần phải được tiêm bù trong thời gian sớm nhất. HCDC cảnh báo nguy cơ mắc bệnh do không được tiêm đúng lịch. Mặt khác, khi miễn dịch từ vaccine suy yếu, nguy cơ bệnh bùng phát trên diện rộng, đe dọa hệ thống y tế cũng như tính mạng người dân. Thiếu vaccine, không chỉ trẻ em không được bảo vệ tốt mà còn ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib ở trẻ nhỏ đã giảm mạnh, điều này khiến cộng đồng phần nào quên lãng tiêm vaccine nhắc lại. Tuy nhiên, một số bệnh này chưa được loại trừ hoàn toàn, có thể lây nhiễm cho trẻ bất cứ lúc nào khi chưa được tiêm vaccine.
Ví dụ bệnh uốn ván gây gồng, co thắt đường thở, dẫn tới phải thở máy, nhiễm trùng... Vi khuẩn Hib gây bệnh viêm màng não mủ, có thể khiến não úng thủy, tay chân yếu chậm vận động, chậm thính lực. Bệnh viêm gan B gây nhiều biến chứng như xơ gan, suy gan cấp, ung thư gan, đồng thời là bệnh có tỉ lệ lưu hành cao ở Việt Nam. Trẻ dưới 6 tuổi nhiễm virus viêm gan B dễ gây bệnh viêm gan mạn tính, trong đó tỉ lệ ở trẻ sơ sinh là 80-90% và trẻ 1-6 tuổi là 30-50%.
Đối với những trẻ đã tiêm chủng, việc tiêm trễ không làm giảm tác dụng thuốc hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Song, nếu trẻ không tiếp tục duy trì mũi tiêm, kháng thể sẽ giảm theo thời gian. Lúc này, vaccine không phát huy hiệu quả bảo vệ như mong đợi, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện, vaccine 5 trong 1 có thời gian giãn cách giữa các mũi là 4-8 tuần, vaccine phòng viêm não Nhật Bản có mũi 2 cách mũi 1 một tuần, mũi 3 cách mũi 2 một năm.
"Do đó, trẻ chưa tiêm thì cần được tiêm chủng sớm, còn trẻ đã tiêm cần được tiêm nhắc đúng hạn hoặc tiêm bù càng sớm càng tốt để được bảo vệ tốt nhất", bác sĩ Chính cho biết.
Chi Lê