19 tình nguyện viên tham gia chương trình thử nghiệm ở Bệnh viện Royal Free tại London, nơi có khu An toàn Sinh học Cấp độ 3. Đơn vị điều hành là Cao đẳng Imperial London và hVIVO, một công ty nghiên cứu y tế chuyên thực hiện các thử nghiệm chủ động lây nhiễm.
Thông thường, vaccine trong nghiên cứu giai đoạn cuối sẽ được tiêm thử trên hàng chục nghìn người. Sau đó, họ trở về cộng đồng và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Các nhà khoa học giả định một tỷ lệ nhất định trong số đó sẽ nhiễm virus một cách tự nhiên. Ngược lại, trong thử nghiệm chủ động lây nhiễm, tình nguyện viên được tiêm hoặc uống virus vào cơ thể.
Người ủng hộ hình thức này cho rằng chúng hiệu quả hơn, đòi hỏi chỉ vài trăm người tham gia. Các chuyên gia y đức lo ngại về việc để tình nguyện viên tiếp xúc với virus khi chưa có phương pháp điều trị Covid-19 chính thức. Họ cũng nói rằng người trẻ, khỏe mạnh không đại diện cho phần đông dân số.
Alok Sharma, Bộ trưởng Kinh doanh của Anh, cho biết: "Chúng tôi đang làm mọi cách để chống Covid-19, bao gồm hỗ trợ các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu giỏi nhất, sáng giá nhất trong quá trình tìm ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả".
"Việc tài trợ cho các nghiên cứu mang tính đột phá, nhưng được kiểm soát chặt chẽ, đánh dấu bước quan trọng để xây dựng hiểu biết của chúng ta về virus, đẩy nhanh sự phát triển của các loại vaccine hứa hẹn nhất. Cuối cùng, chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường", ông nói thêm.
Theo tiến sĩ Martin Johnson, Giám đốc Y tế Cấp cao tại hVIVO, mục đích là tìm hiểu cách cơ thể phản ứng đối với lượng virus nhất định. Công ty có kế hoạch để kiểm tra hiệu quả tối đa ba loại vaccine vào năm tới.
Một số "ứng viên" tiềm năng đã gần kết thúc các thử nghiệm giai đoạn 3 truyền thống, trong đó tình nguyện viên được tiếp xúc tự nhiên với virus. Song điều này chỉ đơn giản cho thấy vaccine có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh. Các nhà khoa học chưa biết rõ loại nào tối ưu.
Nghiên cứu chủ động lây nhiễm vẫn cần được các cơ quan quản lý của Anh phê duyệt về mặt đạo đức. Cơ quan Nghiên cứu Y tế cho biết họ đã thành lập một ủy ban đánh giá để xem xét tất cả đề xuất được trình lên. Tình nguyện viên sẽ được sàng lọc nghiêm ngặt, đảm bảo họ có sức khỏe tốt, không mắc bệnh nền. Tất cả đều ở độ tuổi từ 18 đến 30, theo hVIVO. Mỗi người sẽ nhận được một khoản hỗ trợ vì đã tham gia thử nghiệm, song các nhà quản lý đang tìm mọi cách để đảm bảo số tiền này không khiến bất cứ ai bị ép buộc tiêm vaccine.
Các tình nguyện viên sẽ ở lại Bệnh viện Royal Free trong vài tuần. hVIVO đã phân lập một dòng virus lây từ một bệnh nhân Covid-19 người Anh, sẽ cho người tham gia tiếp xúc qua xịt mũi hoặc uống.
"Chúng tôi sẽ sử dụng liều lượng nhỏ nhất. Những gì chúng tôi đang cố gắng là đảm bảo độ an toàn và giảm thiểu triệu chứng", tiến sĩ Johnson nói.
Ông cho biết ngay khi tình nguyện viên có triệu chứng mắc Covid-19, họ sẽ được dùng thuốc kháng virus remdesivir.
Chủ động nhiễm bệnh để thử vaccine không phải khái niệm mới, từng được dùng đối với dịch tả, thương hàn, sốt rét, thậm chí cúm thông thường. Song khác với các loại virus này, nCoV chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.
Thông báo của chính phủ Anh đưa ra sau khi hàng chục nghìn người trên khắp thế giới đăng ký tham gia thử nghiệm qua chương trình 1 Day Sooner (Một ngày sơm hơn).
Thục Linh (Theo CNN)