Chiều 21/12, sau gần 5 giờ tuyên bố cáo trạng, phiên xét xử sơ thẩm Lê Xuân Giang và 6 thuộc cấp trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức bán hàng đa cấp tiếp tục với phần xét hỏi.
Trả lời chất vấn của HĐXX, Giang khai, đầu năm 2014, Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt theo hình thức trả tiền, nhận hàng và hưởng hoa hồng. Khi đóng 7 triệu đồng, khách hàng nhận một máy khử trùng ozone và một số sản phẩm thực phẩm chức năng.
Ban đầu, mô hình hoạt động bình thường, lượng khách hàng nhỏ, chỉ vài trăm người, công ty của Giang xuất hàng hóa cho khách và trả hoa hồng theo cam kết. Nhưng càng về sau, "công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý và sức sức tưởng tượng, bị cáo lúng túng không biết cách kiểm soát", Giang khai.
Giải thích việc Liên Kết Việt đã chi 65% tổng số tiền thu được từ các bị hại để chi trả hoa hồng, cao hơn 25% so với quy định, Giang khai do trình độ hiểu biết của bản thân hạn chế, "nghĩ rằng nên trả nhiều tiền cho khách hàng, công ty chỉ cần ăn lãi ít". Theo bị cáo, các đề xuất tăng phần trăm hoa hồng đều do 2 phó tổng giám đốc Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thuỷ xây dựng và ký nháy, Giang chỉ ký phê duyệt.
Giang nhiều lần nói mình "thiếu hiểu biết, không biết như vậy vi phạm pháp luật" và quy trách nhiệm trong nhiều hành vi cho thuộc cấp. Ngay trong việc lợi dụng nhầm lẫn trong tên viết tắt BQP, in các loại bằng khen treo tại trụ sở, văn phòng chi nhánh để khuếch trương danh tiếng, Giang bao biện do nhân viên làm, mình không kiểm soát được.
Bị cáo khai có 11 năm phục vụ tại quân đội, xuất ngũ với hàm trung uý, việc hát quốc ca và mặc quân phục trong các sự kiện trao thưởng của Liên Kết Việt, không nhằm lừa đảo các bị hại mà chỉ thể hiện "niềm tự hào và vinh dự, sự tôn trọng và tin tưởng của tôi với những người lính, với Đảng và Nhà nước".
Với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng thu được từ các bị hại, Giang phủ nhận việc cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng chi tiêu cá nhân như truy tố. Giang nói khi bị hàng nghìn người kéo đến nhà đòi nợ, đã chủ động rút khoản tiền này để trả, song không đưa ra được tài liệu chứng minh, bị HĐXX bác bỏ.
Giang đồng thời phủ nhận cáo buộc của VKS, cho rằng bị cáo tẩu tán tài sản và sổ sách kế toán thu chi sau khi bị truyền thông phanh phui hành vi lừa đảo. Giang nói toàn bộ hoạt động tài chính do kế toán phụ trách, mình tuy là giám đốc, "ký song khômg hiểu biết gì về kế toán".
Trước thái độ và lời khai của Giang, HĐXX hỏi "vậy theo bị cáo, mình không làm gì sai?". Giang khẳng định, chỉ mắc một số lỗi nhỏ do không hiểu biết, bản thân là người chân chính, luôn mong muốn tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. "Tôi nghĩ đây là sân chơi bình đẳng, mọi người tự nguyện tìm hiểu, tự nguyện tham gia. Đây thực chất là cơ hội rất tốt cho tất cả mọi người".
Ngày mai, phiên toà tiếp tục phần xét hỏi.
Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng. Giang và đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.
Hơn 6.000 bị hại được TAND triệu tập tới phiên xét xử sơ thẩm 7 bị cáo, dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Thanh Vân