Cơn mưa xối xả chiều 24/9 khiến nhiều nhà dân ở quận Thủ Đức ngập hàng giờ, đồ đạc phải kê lên cao tránh ướt. Cơn mưa kéo dài hơn một giờ khiến nhiều tuyến đường tại"rốn ngập" Thủ Đứcnhư Tô Ngọc Vân, Linh Đông, Đặng Văn Bị... biến "thành sông", nước tràn vào nhà dân. Từ đầu tháng 9, nhiều cơn mưa lớn xuất hiện liên tiếp và gây ngập lụt ở một số tuyến đường ở quận Thủ Đức. Nhiều độc giả bày tỏ lo lắng khi khu vực này trong tương lai sẽ được nâng cấp thành phố.
Độc giả Bảo nêu ý kiến cho rằng với những trận mưa lớn, trung tâm TP HCM nói chung và quận Thủ Đức ngập lụt là chuyện tất yếu:
Mưa ở TP HCM ngày càng lớn. Lúc tôi còn ở Pháp, năm 2016 Paris gặp trận lụt kinh khủng lớn nhất trong 50 năm, phía nam Paris nước ngập tới ngực người đi đường. May là các tòa nhà tuyệt đẹp ở trung tâm Paris nằm ở cao độ hơn 12 m so với mực nước biển nên nước không dâng tới được. Trận lụt lịch sử Paris năm 2016 có lưu lượng mưa 100 mm trong vòng 24 giờ.
Còn đây chỉ là một cơn mưa lớn ở TP HCM mà lượng mưa đã lên đến 212 mm trong vòng 24 giờ. Vậy năm nào TP HCM cũng phải chịu vài cơn mưa khủng khiếp gấp mấy lần hơn cả lũ lịch sử ở Paris. Ngoài ra ở Paris, khu vực trung tâm cao hơn mực nước sông Seine hơn 15 mét trong khi khu vực Bình Thạnh, Q2 chỉ cao hơn mực nước sông Sài Gòn có 1.5 mét, nên ngập lụt là khó tránh khỏi.
Độc giả Cuong Nguyen Van: Đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức) không phải bây giờ mới bị "lũ".
- Do đường dốc lớn và dài một chiều từ ngã tư Thủ Đức về hướng chợ Thủ Đức, nên với lượng mưa lớn trong ít phút, cống thoát nước phần dưới trũng, dư tải, động năng nước lớn do chênh lệch độ cao nên nước tràn lên mặt đường và chảy xuống phía dưới (năm 1993 tôi đi xe máy cũng đã bị trôi mất dép tại đoạn gần chợ).
- Xây hồ điều hòa nhỏ khu vực trên không có tác dụng gì cả.
- Chỉ có lắp đặt hai tuyến cống lớn mới sẽ giải quyết được vấn đề này (và lưu ý một tuyến thoát nước lưu vực đỉnh dốc cống này cần: Không nhận nước từ khu vực cách chợ 300m ra tới của xã dưới cùng, ông cống kín chảy thẳng. Hai là tuyến thoát nước lưu vực thấp, nhận nước và thoát riêng ra cửa xả cuối, để không bị dòng nước chảy mạnh từ đỉnh dốc vọt ngước lên đường). Tất nhiên diện tích cả hai cống phải đạt mức lớn, theo tần suất thiết kế.
Độc giả Phong Vu cho rằng: Chống ngập cần nghiên cứu tổng thể vào có giải pháp toàn diện. Nếu thấy ngập đâu nâng cao đó, kiểu như đang nâng cao đường Nguyễn Hữu cảnh thì có thể phản tác dụng.
Cụ thể, tuy đường Kha Vạn Cân và Linh Đông là hai nơi ngập nặng bậc nhất Thủ Đức, nhưng nếu nâng cao hai con đường này thì sẽ vỡ trận, Thủ Đức sẽ ngập nặng hơn dọc cung đường Tô Ngọc Vân - Võ Văn Ngân - Đặng Văn Bi, và sẽ phát sinh nhiều điểm ngập mới về phía tây nam của cung đường này.
Độc giả phantamda:
Quy hoạch đồng bộ là điều tất yếu, làm đường cống mới mà đường kính chỉ có 1m đến 1,5m thì vài năm nữa lại phải đào lên làm lại cái to hơn. Quy hoạch phải tính trước cả trăm năm chứ tính cho trăm ngày như vậy chẳng ăn thua.
Ý thức của người dân cũng góp phần làm tình trạng thêm trầm trọng, ra đường thì chỉ thấy toàn rác. Mưa là bao nhiều rác cứ ùa vào miệng cống, đã vậy nhiều người con vô tâm đổ rác vào miệng cống trước nhà.
Vật liệu xậy dựng của các công trình xây dựng và của xe chở vật liệu xây dựng rơi khi vận chuyển cũng là một trong các nguyên nhân gây ngập. Những thứ này chảy vào đường ống, tích tụ làm giảm thể tích lưu thông của đường ống. Mỗi khi mưa lớn là phải có người đi móc rác hoặc mở banh miệng cống ra cho nước thoát, rồi công nhân vệ sinh lại phải ngâm mình đi thông cống, nạo vét cống.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp