Những vụ việc chồng bạo hành vợ và bị xử phạt hành chính không còn xa lạ. Thông thường, tiền nộp phạt sẽ do chính người vi phạm chi trả. Nhưng nếu người chồng không có thu nhập ổn định, ai sẽ là người gánh khoản tiền này?
Nhiều trường hợp thực tế, chính người vợ, nạn nhân của bạo lực gia đình lại phải đứng ra xoay sở để chồng có tiền nộp phạt. Điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn: nạn nhân vừa bị bạo hành, vừa phải chịu thêm gánh nặng tài chính do hành vi sai trái của chồng.
Nếu người chồng không có tiền nộp phạt, họ có thể bị cưỡng chế tài sản hoặc buộc lao động công ích, nhưng điều này rất khó thực hiện với những người không có tài sản riêng hoặc thu nhập ổn định.
Trong nhiều trường hợp, họ lại tiếp tục sống dựa vào gia đình, và khoản phạt có thể được lấy từ tài sản chung, tức là vẫn có phần đóng góp của người vợ.
Giải pháp nào để tránh tình trạng này? Theo tôi, ngoài xử phạt hành chính, nên có thêm các biện pháp như lao động công ích, tạm giữ hành chính hoặc cải tạo không giam giữ cần được áp dụng nghiêm túc hơn. Nếu người vi phạm có hành vi tái diễn hoặc nghiêm trọng, cần cân nhắc xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.
Cuối cùng, vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao để bảo vệ nạn nhân một cách hiệu quả. Nếu chế tài phạt tiền không mang lại tác dụng thực tế mà còn gián tiếp làm tăng gánh nặng cho người vợ, thì cần có những điều chỉnh phù hợp hơn trong chính sách xử lý bạo lực gia đình.
Căn cứ Nghị định 144/2021, người vi phạm hành vi bạo lực gia đình có thể bị phạt hành chính 5-20 triệu đồng. Trường hợp tăng nặng có thể bị xử lý ở mức cao hơn. Trước đó, tháng 10/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã phạt hành chính 15 triệu đồng với ông Nguyễn Văn Đồng, trú huyện Hưng Nguyên, vì dùng phích nước đánh vào đầu và mặt vợ gây thương tích. Tại Hà Tĩnh, hồi tháng 12/2022, Nguyễn Văn Thắng, 34 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, cũng bị nhà chức trách phạt 45 triệu đồng do đánh con gái 10 tuổi rồi bắt con trai 12 tuổi chứng kiến, dùng điện thoại quay video. |
Quang Nguyễn